Từ đầu tháng 7 đến nay, tại
xã Môn Sơn và xã Con Cuông, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát mạnh, hàng
trăm con lợn đã phải tiêu hủy.
Theo thống kê từ xã Môn
Sơn và xã Con Cuông, từ đầu tháng 7 đến nay, đã có 24 ổ dịch được ghi nhận, với
tổng số lợn mắc và phải tiêu hủy lên đến 500 con. Phần lớn các hộ bị ảnh hưởng
đều là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và kiểm soát dịch bệnh còn
hạn chế. Riêng tại xã Môn Sơn, 18 ổ dịch đã được phát hiện, tiêu hủy gần 400
con lợn.
Đàn
lợn trên địa bàn xã Môn Sơn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Bảo Hân
Ông Ngô Đăng Trung ở bản
Cửa Rào, xã Môn Sơn cho hay: “Lợn bỏ ăn, tôi báo ngay với thú y xã. Tiếc lắm,
nhưng cán bộ đến tiêu hủy, tôi cũng chấp hành ngay. Giờ phải khử trùng thường
xuyên, chờ hỗ trợ từ xã”.
Ngay khi có thông tin dịch
bùng phát, chính quyền các xã đã lập tức kích hoạt Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch,
triển khai các biện pháp khẩn cấp như khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh,
phun tiêu độc, khử trùng và tạm dừng việc mua bán, vận chuyển lợn ra, vào khu vực
có dịch.
Lực
lượng địa phương tiến hành tiêu hủy lợn. Ảnh: Bảo Hân
Ông Vi Văn Trường - Trưởng
phòng Kinh tế xã Môn Sơn cho biết: “Chúng tôi đã phân công cán bộ thú y xuống
các thôn, bản có nguy cơ cao để tăng cường giám sát, đồng thời, kiểm tra chặt
chẽ hoạt động vận chuyển và giết mổ. Người dân cũng được khuyến cáo không giấu
dịch, không bán chạy lợn ốm”.
Công tác tuyên truyền được
đặc biệt chú trọng, giúp người dân nhận diện sớm dấu hiệu dịch bệnh và phối hợp
với chính quyền trong việc khai báo và xử lý ổ dịch.
Các
địa phương cắm biển vùng có bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Bảo Hân
Không chỉ dừng lại ở xã
Môn Sơn, trong vòng chưa đầy 2 tuần, dịch tiếp tục xuất hiện tại các thôn, bản
trên địa bàn xã Con Cuông như các thôn: Tân Dân, Trung Chính, Trung Hương, Thủy
Khê… Chính quyền địa phương đã tiêu hủy 60 con lợn.
Trong đó, gia đình bà
Thân Thị Bích ở thôn Trung Hương có 9 con lợn thịt đang chuẩn bị xuất chuồng,
nhưng khi phát hiện lợn bị bệnh, bà đã báo chính quyền và tiêu hủy cả đàn.
Bà Thân Thị Bích cho hay:
“Ban đầu nghe tin có dịch tả lợn châu Phi, tôi rất hoang mang vì nhà có đến 9
con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng. Khi phát hiện 1 con bị nhiễm bệnh, bà đã báo
với thôn, thôn báo lên xã để xác minh và chấp nhận tiêu hủy cả đàn”.
Ngay sau khi ghi nhận ổ dịch,
UBND xã Con Cuông đã họp khẩn cấp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia
súc, gia cầm, đề ra các biện pháp cấp bách như thành lập các chốt kiểm dịch tạm
thời, phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực có dịch và vùng nguy cơ. Cùng với
đó, việc tiêu hủy gia súc mắc bệnh và hỗ trợ kinh phí cho người dân bị thiệt hại
cũng được triển khai. Mọi hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc ra, vào vùng dịch
bị cấm trong vòng 21 ngày. Các cán bộ xã cũng đã đến từng thôn, bản, hộ dân để
tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi nhận biết dấu hiệu bệnh và các biện
pháp phòng ngừa.
Đàn
lợn của xã Con Cuông trước nguy cơ bị nhiễm dịch. Ảnh: Bảo Hân
Ông Cao Tiến Thịnh - Trưởng
phòng Kinh tế xã Con Cuông cho biết: “Với phương châm phát hiện nhanh, khoanh
vùng gọn, xử lý triệt để, chính quyền xã phối hợp chặt chẽ với các xã lân cận để
chia sẻ thông tin, giám sát dịch bệnh liên vùng và thống nhất các biện pháp đồng
bộ”.
Dịch tả lợn châu Phi tuy
nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát nếu thực hiện nghiêm túc các biện
pháp phòng dịch. Sự chủ động của chính quyền cơ sở, tinh thần cảnh giác và hợp
tác từ người dân chính là yếu tố quyết định để từng bước đẩy lùi dịch bệnh, bảo
vệ đàn vật nuôi và ổn định sinh kế cho bà con nông dân./.
Bảo Hân