Để phát huy thế mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa, thời gian qua huyện Con Cuông đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với xây dựng nông thôn mới.
Để phát huy thế mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa, thời gian qua huyện Con Cuông đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính gắn với xây dựng nông thôn mới.
Để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho gia đình, anh Lô Hồng Văn bản Trung Chính xã Yên Khê đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi lợn thương phẩm. Mấy năm gần đây, chuyển sang nuôi lợn nái để bán con giống. Bình quân, mỗi năm từ 7 con lợn nái, gia đình cho xuất chuồng 140 con lợn giống, với giá bán trung bình 800.000 đồng/con, gia đình có nguồn thu trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn đầu tư mua 4 con dê giống về chăn thả ở diện tích đồi rừng hiện có của gia đình, với đặc trưng dễ nuôi, không tốn nhiều công sức, thời gian sinh đẻ ngắn. Sau gần 2 năm thử nghiệm với mô hình này gia đình anh cũng thu về khoảng 10 triệu đồng từ bán dê thương phẩm. Ngoài việc phát triển mô hình chăn nuôi phổ biến ở địa phương, bằng niềm đam mê anh Văn còn bỏ công vào rừng tìm và mua các giống phong lan rừng về để ươm, tạo dáng. Các cành phong lan rừng qua bàn tay khéo léo của anh trở nên đẹp, đầy sức sống. Ngoài trồng để thỏa niềm đam mê, anh còn bán các giò phong lan cho nhiều khách trong và ngoài huyện, có nhiều khách còn đặt trước cả tháng trời. Bình quân, mỗi giò phong lan có giá từ trên 400.000 đồng, đặc biệt có những cành phong lan được tạo dáng tỉ mỉ được khách hàng trả giá trên 2 triệu đồng. Nhờ đó, mà anh cũng kiếm thêm được nguồn thu nhập
Mô hình nuôi lợn hàng hóa của gia đình anh Lô Hồng Văn và chị Vi
Thị Chính, bản Trung Chính xã Yên Khê, huyện Con Cuông
Còn tại xã biên giới Môn Sơn, nhiều hội viên nông dân đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Điển hình như gia đình anh Ngân Văn Nào và chị Ngân Thị Sen ở bản Khe Ló. Với nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ ngân hàng chính sách gia đình đã đầu tư mô hình chăn nôi lợn nái để lấy giống nuôi mỗi năm thu lãi trên 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn thu lãi được, gia đình anh chị còn tập trung nuôi trâu, bò vỗ béo, đồng thời nuôi dê, gà đồi và đào ao thả cá. Đặc biệt, năm 2015 gia đình mạnh dạn mua 4 con hươu giống với giá 40 triệu đồng từ huyện Nam Đàn về nuôi thử. Đến nay, hươu đã cắt được lộc mỗi năm từ 1-2 lần, mỗi lần cho 3- 4 lạng nhung, thu về được 10 triệu đồng. Từ chỗ là một hộ nghèo, đời sống kinh tế thuộc diện khó khăn nhất của bản nhưng với ý chí vươn lên, gia đình chị Ngân Thị Sen đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi tổng hợp với mức thu nhập trên100 triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi hươu giống của gia đình Ngân Văn Nào xã Môn Sơn, huyện Con Cuông
Để đàn vật nuôi của bà con nông dân phát triển ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng, phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn giúp đỡ tư vấn người chăn nuôi phát triển chăn nuôi bằng cách lai tạo, lựa chọn các con giống tốt; chú trọng công tác tiêm phòng dịch bệnh, mở rộng quy mô chăn nuôi, khuyến khích việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình, dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi theo mô hình trang trại, sản xuất hàng hóa. Những tiến bộ KHKT cũng được huyện coi trọng, phổ biến rộng rãi và chuyển giao đến tận người dân như : Máng ăn công nghiệp, thiết bị chuồng trại…Các hộ chăn nuôi đã chủ động xử lý chất thải bằng hầm biogas và các chất sát trùng khác nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời giải quyết nhiên liệu phục vụ sinh hoạt của các hộ gia đình chăn nuôi. Hiện tổng đàn trâu, bò toàn huyện có gần 35.000 con, đàn lợn gần 30.000 con , tỷ lệ hộ gia đình chăn nuôi tăng từ 2-3%. Nhiều giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao đã được nông dân đưa vào sản xuất.
Mô hình nuôi lợn giống tại xã Thạch Ngàn huyên Con Cuông
Có thể thấy, việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá trong những năm qua ở Con Cuông đã mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của huyện. Để chăn nuôi trở thành mũi nhọn hàng hóa, giai đoạn từ nay đến 2020 huyện Con Cuông tập trung các nguồn lực đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trên tất cả các tiểu vùng và phát triển đa dạng về chủng loại, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng chất lượng đàn giống, trong đó xác định bò là con đại gia súc cần phát triển thành sản phẩm chủ lực. Để làm được điều này, huyện sẽ tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, hình thành các trang trại chăn nuôi và vỗ béo bò. Ngoài ra, huyện sẽ nghiên cứu đưa các giống bò Mông, bò Úc để nuôi. Cùng với đó, huyện Con Cuông cũng có chủ trương bảo tồn, phát triển các giống vật nuôi bản địa, có giá trị và tiểm năng thương mại, tạo thành các sản phẩm hàng hóa gắn với du lịch sinh thái như: Lợn đen, gà đồi, dê, vịt bầu.
Minh Hạnh- Vi Nhẫn
Đài Con Cuông.