Núi chẳng cao, nước cũng chẳng sâu/ Tranh sơn thủy một màu ai khéo vẽ… Xứ Nghệ yêu thương gìn giữ sắc hoa/ Vườn Thượng uyển bao la huyền thoại/ Qua một lần để em còn nhớ mãi/ Pù Mát thông reo đọng lại dấu tiền nhân… Những câu thơ đầy cảm xúc khi đến với vùng đất Thành Nam (tên gọi Con Cuông xưa) của Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan và nhà thơ Phạm Quang Thu đã được Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng tình cờ nhắc lại trong dịp trò chuyện tại kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh Nghệ An vừa qua như thôi thúc, mời gọi chúng tôi đến với huyện miền núi phía Tây Nam xứ Nghệ. Từ TP Vinh xuôi đường 7, trong tiết trời giá lạnh của những ngày cuối năm Mậu Tuất, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình rong ruổi ngược sông Giăng dài hơn 100km để về với Con Cuông - “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” năm nào.
|
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đình Hùng thăm mô hình dưa Mỹ xã Chi Khê | Ảnh: Bá Hậu |
Diện mạo trù phú
Nắm bắt rõ những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian qua, huyện đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch cộng đồng gắn với truyền thống văn hóa của đồng bào và Khu du lịch sinh thái Pha Lài, Pù Mát... Để khai thác hiệu quả, quyết tâm trở thành điểm sáng mới, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, đồng thời tạo mọi điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư bằng nhiều giải pháp như: Giải quyết TTHC nhanh gọn; tạo thương hiệu sản phẩm để Con Cuông trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần phát triển kinh tế địa phương nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Bí thư Huyện ủy Con Cuông NGUYỄN ĐÌNH HÙNG |
Những giọt mưa còn lấm tấm trên các sườn đồi, cung đường nhựa tỏa về các bản, làng, uốn lượn dưới những tán rừng. Xa xa, những dải nhà kính nối dài tít tắp, những vườn rau xanh non và vườn cam đang kỳ thu hoạch… Ít ai biết rằng, cách đây khoảng hơn chục năm về trước, vùng đất “chưa mưa đã thấm, chưa nắng đã khô’’ này thuộc diện đói nghèo bậc nhất của tỉnh Nghệ An, thì nay đời sống của đồng bào các dân tộc ‘‘miền Trà Lân’’ đã khác xưa.
Đang mải mê nhìn những đứa trẻ vui đùa trên con đường bê tông sạch đẹp dưới hai hàng cây xanh, Trưởng bản Liên Đình (xã Chi Khê) Lô Hồng Thái đi tới vỗ vai cùng giọng nói hào sảng: Nhà báo ngạc nhiên lắm phải không? 100% đồng bào Thái trong bản chúng tôi chẳng mấy ai còn lo đói nữa. Hiện, thu nhập bình quân của bà con đạt 30,5 triệu đồng/người/năm. ‘‘Hơn chục năm trước, nơi đây chồng chất khó khăn, kết cấu hạ tầng gần như chưa có gì. Lúc đó, hầu hết các thôn, bản trong huyện chưa phủ sóng điện thoại, chưa có điện thắp sáng… Đó là nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước’’, ông Thái nhớ lại.
Tiếp lời ông Thái, chỉ tay về những nếp nhà sàn cổ được giữ gìn quy hoạch theo ô bàn cờ, Bí thư Chi bộ bản Xiềng Hà Thị Thìn cho biết: Bản Xiềng hôm nay không chỉ đổi thay về “diện mạo” được tô điểm tươi đẹp bởi sự xanh mát, nhiều hoa khoe sắc mà còn là sự đổi thay trong đời sống người dân. Với lợi thế nằm bên dòng sông Giăng, khu du lịch Phà Lài và nghề phục vụ du lịch, cả bản có 175 hộ, trong đó hiện có 88 hộ khá giả… Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư làm đường giao thông từ trung tâm xã vào đến thôn, bản, kéo điện lưới, tạo điều kiện cho đồng bào sản xuất, buôn bán, góp phần tạo nên diện mạo trù phú cho mảnh đất này, chị Thìn vui mừng cho biết.
Rời bản Liên Đình, bản Xiềng, chúng tôi đến với bản Pha của đồng bào dân tộc Thái ở xã Yên Khê khi mặt trời sắp đứng bóng. Không lẫn vào đâu được, trước mắt chúng tôi hiện ra một vùng trái cây xanh tươi trải khắp trên những ngọn đồi, nhiều khoảnh rừng cam vàng chính vụ sum xuê trĩu nặng cành. Vừa nhanh tay quơ mấy que khô vương ở gốc cam, giựt nhành cây dại leo lên hàng rào bao quanh vườn, ông Tăng Ngọc Sơn vừa giới thiệu: Cam Con Cuông vốn nức tiếng, nay được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nên càng được khách hàng khắp nơi ưa chuộng, mang lại thu nhập cao cho bà con. Đến mùa du lịch, chúng tôi quét dọn sạch sẽ từng lối đi, gốc cây; khách có thể trải chiếu để ngồi nghỉ dưới bóng mát… Những vườn cam của bà con nơi đây không chỉ cho thu hoạch hàng chục tấn trái mỗi vụ, mà còn giúp người dân chế biến nên nhiều sản phẩm độc đáo, vừa nâng cao giá trị trái cam, vừa góp phần phát triển du lịch địa phương.
Những ngày ở miền Trà Lân, chúng tôi cũng đã kịp đến bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) - bản nổi tiếng về du lịch cộng đồng. Nằm bên dòng sông Lam qua cầu treo thơ mộng, nhắc đến Khe Rạn là nhắc đến những điệu múa, tiếng cồng, những món ăn hấp dẫn và trải nghiệm du lịch homestay. Trước đây, vào mùa du lịch bản tấp nập đón khách nhưng nay dường như quanh năm, những tổ dịch vụ luôn sẵn sàng phục vụ du khách ngày một chuyên nghiệp. Làm du lịch cộng đồng trở nên một nghề thu nhập khá cho các hộ, đồng thời là một “đặc sản”của phố núi Con Cuông.
|
Sông Lam chảy ra thị trấn Con Cuông | Ảnh: Bá Hậu |
Không bằng lòng với hiện tại
Khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng trong những lần thăm và làm việc với huyện: Không thể bằng lòng với hiện tại, bà con các dân tộc trên địa bàn phải nỗ lực phát huy tiềm năng hiện có để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo… Những năm gần đây, Con Cuông luôn chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, du lịch sinh thái và du lịch công đồng. Nhờ đó, kinh tế tiếp tục có bước tăng trưởng khá, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Chia sẻ về những kết quả đạt được, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đình Hùng không giấu nổi niềm vui: Năm 2018, toàn huyện có 24/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, dịch vụ - du lịch có nhiều chuyển biến tích cực. Bước đầu thu hút được một số nhà đầu tư tiến hành đầu tư tại khu du lịch sinh thái Pha Lài, đưa vào khai thác một số dịch vụ trò chơi mới Ziplie, chèo thuyền Kayzac… góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Con Cuông, ngày càng thu hút được đông đảo khách tham quan.
Thực tế, với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Con Cuông thì đây là kết quả của sự nỗ lực, đoàn kết không ngừng nghỉ của cả một tập thể. Như chia sẻ của người đứng đầu cấp ủy, nhờ vào đường lối, chính sách hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc miền núi của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, của tỉnh Nghệ An. Cùng với đó, là nỗ lực của các cấp, các ngành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Con Cuông, với nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Với việc xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu cốt lõi, huyện đã từng bước xóa đói, giảm nghèo… Tuy nhiên, Con Cuông vẫn chưa giàu, chưa tạo lập được cơ sở nền tảng vững chắc và đà phát triển mạnh để vươn lên, tạo bứt phá phát triển. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là do hạn chế về nguồn lực, nên tiến độ thực hiện đề án xây dựng huyện Con Cuông theo hướng đô thị sinh thái còn chậm so với kế hoạch.
Về định hướng tương lai, Bí thư Huyện ủy cho biết: Xác định củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội. Thời gian tới, Con Cuông sẽ ưu tiên xây dựng các thương hiệu sản phẩm dược liệu và nông nghiệp sạch; tập trung phát triển các ngành dịch vụ lợi thế để từng bước phát triển thành trung tâm dịch vụ vùng Tây Nam theo định hướng Đề án xây dựng huyện thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái. Trong đó, chú trọng khai thác, mở rộng thị trường, tăng cường thu hút dịch vụ du lịch Khe nước mọc Yên Khê, Di tích lịch sử quốc gia Bia Ma Nhai; đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu Du lịch sinh thái Phà Lài - bản Cò Phạt (xã Môn Sơn)…
Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng đến công tác cán bộ; tiếp tục đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các Ủy viên Ban Thường vụ, với tinh thần “dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hợp lý, khoa học, phân công cụ thể, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh.
Năm 2018 khép lại, kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được và bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tin rằng Con Cuông sẽ sớm đưa ‘‘giấc mơ’’ trở thành đô thị sinh thái, Trung tâm kinh tế - Văn hóa của vùng Tây Nam Xứ Nghệ thành hiện thực… Để hào khí Trà Lân vang đọng mãi ngày xuân, cùng dân tộc bước vào thời kỳ hội nhập, phát triển.