12/10/2021
Cách giữ rừng độc đáo của đồng bào Thái Con Cuông
Hiện nay các quy định của Luật bảo vệ và chăm sóc rừng ở Con Cuông đang được thực hiện rất hiệu quả, các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng đã thực hiện rất nghiêm túc, bên cạnh đó đồng bào Thái nơi đây còn có cách giữ rừng rất hiệu quả và độc đáo. Thay vì làm nhà sàn gỗ mất nhiều thời gian lại đòi hỏi số lượng gỗ lớn rất tốn kém thì nhiều gia đình ở các bản làng đã xây dựng nhà sàn bằng bê tông. Đặc biệt phong trào này được thế hệ trẻ vô cùng ưa chuộng và nhân rộng.
Hiện nay các quy định của Luật bảo vệ và chăm sóc rừng ở Con Cuông đang được thực hiện rất hiệu quả, các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng đã thực hiện rất nghiêm túc, bên cạnh đó đồng bào Thái nơi đây còn có cách giữ rừng rất hiệu quả và độc đáo. Thay vì làm nhà sàn gỗ mất nhiều thời gian lại đòi hỏi số lượng gỗ lớn rất tốn kém thì nhiều gia đình ở các bản làng đã xây dựng nhà sàn bằng bê tông. Đặc biệt phong trào này được thế hệ trẻ vô cùng ưa chuộng và nhân rộng.
Từ năm 2000 trở về trước, phong trào bán nhà sàn cho người miền xuôi nở lên rầm rộ lên ở các bản làng ở Con Cuông, nhất là vùng tả ngạn các xã Mậu Đức, Đôn Phục, Thạch Ngàn. Nhà Sàn không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi thuận tiện nhất trong không gian tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Thái. Để khôi phục lại nhà sàn gỗ chuẩn với phong tục và có hoa văn chạm trổ truyền thống thì phải mất đến hàng tỷ đồng. Do đó gia đình ông Lô Văn Nội ở bản Nam Sơn xã Chi Khê cũng như nhiều hộ không thể có điều kiện dựng lại nhà sàn được nữa. Thay vào đó người dân nơi đây đã sáng tạo bằng cách xây nhà sàn bằng bê tông, cốt thép vừa phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc Thái, tiết kiệm được thời gian và chi phí, lại giữ được rừng.
Trung bình xây dựng một ngôi nhà sàn bằng bê tông hết khoảng 300 đến 400 triệu đồng, thấp hơn nhà sàn làm bằng nguyên liệu gỗ nhiều lần. Thời gian thi công khoảng 3-4 tháng.. Thấy được ngôi nhà sàn bê tông đúng với phong tục và bản sắc, mọi người trong bản ai cũng cảm thấy phấn khởi bởi thời gian thi công nhanh, nguyên vật liệu thuận lợi và bền vững, không bị mối mọt lại giữ được rừng. Đến nay Phong trào làm nhà sàn bằng bê tông trở nên phổ biến và từ đó hình thành nhiều tốp thợ làm nhà sàn có kinh nghiệm đáp ứng nhu cầu của đồng bào.
Không chỉ xây nhà sàn bằng bê tông giữ rừng, nay bà con trong xã Chi Khê đã tích cực trồng rừng thay thế đất trống đồi núi trọc như các loại cây gỗ, tre, mét, keo mang lại thu nhập khá ổn định. Toàn xã hiện có trên 5.800 ha rừng khoanh nuôi và bảo vệ, hàng năm đều trồng mới, các loại cây lấy gỗ, cây keo mét trở thành cây chủ lực là nguồn thu nhập chính của bà con dân bản.
Ngôi nhà sàn là tài sản quý giá và là bản sắc văn hóa quan trọng của đồng bào dân tộc Thái. Vì vậy về với các bản làng Con Cuông hôm nay có nhiều ngôi nhà sàn mới mọc lên với nhiều hoa văn khác nhau, kỹ thuật sáng tạo, hình thức đẹp và rất giống với nhà sàn gỗ. Phong trào xây nhà sàn bằng bê tông để giữ rừng là ý tưởng độc đáo của đồng bào Thái Con Cuông, góp phần đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương .
Tường Vi- Quang Huy