Từ đầu tháng 4 đến nay do thời tiết nóng ẩm, xen kẽ các đợt mưa lạnh nên trên địa bàn huyện huyện Con Cuông và huyện Anh Sơn các ổ dịch châu chấu lưng vàng đã xuất hiện, gây hại trên diện tích các loại cây trồng với tốc độ khá nhanh. Hiện tại chính quyền địa phương, phòng nông nghiệp, Trạm bảo vệ thực vật huyện cùng với bà con nông dân thực hiện nhiều giải pháp để phòng trừ dịch bệnh.
Từ đầu tháng 4 đến nay do thời tiết nóng ẩm, xen kẽ các đợt mưa lạnh nên trên địa bàn huyện huyện Con Cuông và huyện Anh Sơn các ổ dịch châu chấu lưng vàng đã xuất hiện, gây hại trên diện tích các loại cây trồng với tốc độ khá nhanh. Hiện tại chính quyền địa phương, phòng nông nghiệp, Trạm bảo vệ thực vật huyện cùng với bà con nông dân thực hiện nhiều giải pháp để phòng trừ dịch bệnh.
Theo thống kê của huyện Con Cuông, ngày 4/4 trên địa bàn huyện mới chỉ có 4,5 ha trên cây mét và cây mía tại xã Bồng Khê xuất hiện đối tượng gây hại. Nhưng đến ngày 14/4, trên địa bàn huyện đã có 5 xã với trên 1440 ha diện tích cây trồng bị nhiễm dịch châu chấu lưng vàng, phổ biến ở tuổi 1. Qua kiểm tra mật độ châu chấu trung bình rải rác ổ/m2, nơi cao: 0,1 ổ/m2, cá biệt: 0,2 - 0,3 ổ/m2. Trung bình 300 - 400 con/ổ, nơi cao: 600-700 con/ổ, cục bộ có ổ >1000 con. Châu chấu xuất hiện trên các vườn mét khai thác chuyển sang trồng keo, vùng ven bờ ruộng lúa, ngô, mía. Riêng diện tích nhiễm trên cây mét là: 1314 ha/ 2081 ha diện tích mét của toàn huyện, trong đó diện nhiễm nặng: 903ha, mật độ: 0,2- 0,3 ổ/m2, diện tích nhiễm trung bình: 221 ha mật độ 0,1 ổ/m2, nhiễm nhẹ: 190 ha. Diện tích nhiễm trên cây mía, lúa, ngô, chè là 129 ha.


Bà con nông dân đang tích cực phun trừ dịch châu chấu lưng vàng

Rút kinh nghiệm từ những năm trước do 1 số thôn bản chủ quan trước nạn châu chấu và các xã chỉ đạo dập dịch không quyết liệt nên châu chấu lây lan nhanh, trưởng thành và gây hại trên diện tích lớn. Nên trong năm 2015, huyện Con Cuông đã tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn bà con nhân dân kịp thời dập dịch theo phương châm: phát hiện ổ trứng nở đến đâu, phun diệt trừ đến đó để đỡ tốn kinh phí phun trừ. Phun đúng thuốc, pha đúng liều lượng, nồng độ, phun trực tiếp lên ổ Châu chấu đang co cụm, chớm nở ở tuổi 1, tuổi 2 nhằm đạt hiệu quả cao.
Ông Lưu Xuân Hùng, trưởng thôn Thanh Nam, xã Bồng Khê cho biết: Ngay khi có thông báo của Trạm bảo vệ thực vật về dịch châu chấu, cào cào chúng tôi đã họp thôn bản, tổ chức phát động mọi người dân cùng tham gia dập dịch. Thôn bản đã thành lập 1 tổ 15 người để đi phun trừ trên diện tích lúa, hoa màu vừa chớm nhiễm bệnh để bảo vệ cây trồng. Riêng ở các rẫy trồng mét thì tuyên truyền mọi người đi thăm rừng, phát hiện ổ dịch phải báo ngay và có biện pháp phun trừ. Tuy vậy, Do địa hình đồi núi phức tạp, rừng mét rậm rạp, khó đi lại nên các chủ rừng và cán bộ nông nghiệp, bảo vệ thực vật cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác phát hiện, phun trừ các ổ châu chấu khi mới phát sinh. Một số chủ rừng còn chủ quan trong việc phun trừ châu chấu gây hại trên cây mét mà chỉ tập trung bảo vệ các cây hoa màu nên cũng ảnh hưởng đến công tác dập dịch của huyện. Mặt khác, thời gian vừa qua thời tiết có mưa nên việc triển khai phun trừ vẫn chưa đạt được kết quả cao. Hiện nay, trên các địa phương có dịch châu chấu lưng vàng gây hại chỉ mới phun trừ được 337 ha / 1440 ha bị nhiễm trong đó trên hoa màu phun được 90 ha/129 ha bị nhiễm, trên cây mét 247ha/ 1314 ha bị nhiễm.
Bởi vậy, trong thời gian vừa qua, huyện Con Cuông đã tập trung vào công tác tuyên truyền, tập trung chỉ đạo quyết liệt để hạn chế tối đa sự phát sinh, phát triển của các ổ dịch. Ông Hồ Đăng Tài, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Con Cuông cho biết: Huyện đã ban hành các thông báo, công văn, công điện chỉ đạo ngành nông nghiệp, trạm bảo vệ thực vật huyện, các xã về tình hình dịch châu chấu lưng vàng và có biện pháp xử lý kịp thời. Huyện đã cho người dân tạm ứng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ, đồng thời huy động mọi người dân, chính quyền địa phương cùng vào cuộc để dập dịch trong thời gian sớm nhất.
Nhằm giúp huyện Con Cuông nhanh chóng khống chế dịch châu chấu lưng vàng, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ thêm cho Trạm, UBND huyện trong công tác dự tính, dự báo, tổ chức phun trừ. Đồng thời, cử các cán bộ kỹ thuật Phòng bảo vệ thực vật rừng, đã trực tiếp kiểm tra thực địa và tham gia chỉ đạo các địa phương đưa tra các giải pháp chống dịch Châu chấu tối ưu nhất.
Trong thời gian tới, thời tiết sẽ thuận lợi cho các ổ châu chấu tiếp tục nở và khả năng mật độ tăng cao, nên huyện Con Cuông cần huy động lực lượng các ban ngành, mặt trận, các đoàn thể của các xã thôn bản phối hợp với cán bộ nông nghiệp, bảo vệ thực vật theo dõi, phát hiện kịp thời các ổ dịch, chủ động tổ chức phun trừ dập dịch kịp thời khi Châu chấu còn non quyết tâm bảo vệ cây trồng.
Thu Trang (Đài TT-TH Con Cuông)