Đảng viên trẻ ở vùng núi Nghệ An "tiết lộ" lí do xin rút khỏi hộ nghèo
Nhữngnăm gần đây, nhiều hộ gia đình ở các xã vùng sâu, vùng xa khó khăn của huyệnmiền núi Con Cuông (Nghệ An) đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộnghèo. Điều này đã mang đến làn gió mới cho “cuộc cách mạng” giảm nghèo ở địaphương.
Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình ở các xã vùng sâu, vùng xa khó khăn của huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Điều này đã mang đến làn gió mới cho “cuộc cách mạng” giảm nghèo ở địa phương.
|
Những lá đơn xin rút khỏi hộ nghèo của các gia đình ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. |
Đảng viên trẻ tự nguyện viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo
Mới đây, gia đình anh Kha Văn Tuất (SN 1984) và vợ là chị Mạc Thị Đông (trú tại bản Kẻ Gia, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, Nghệ An) đã có đơn xin rút khỏi hộ nghèo.
Trong đơn viết tay anh Tuất đề ngày 16/10/2019 gửi đến UBND xã Thạch Ngàn cho biết: Năm 2018, qua báo cáo kết quả cuộc kiểm tra rà soát, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Sau khi được nghe công văn hướng dẫn của UBND xã Thạch Ngàn để bình xét hộ nghèo của năm 2019, nên vợ chồng anh đã làm đơn xin rút khỏi hộ nghèo.
“Tôi còn độ tuổi lao động, còn đủ sức lao động sản xuất, đảm bảo đời sống hàng ngày và đủ khả năng vươn lên xóa nghèo. Là Đảng viên tôi xin rút đầu tiên ra khỏi hộ nghèo, để góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội và cũng là để gia đình tự nỗ lực phấn đấu”, đơn xin rút khỏi hộ nghèo của anh Tuất nêu rõ.
Ông Vi Trung Định - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) xác nhận, gia đình anh Kha Văn Tuất đã tự nguyện viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo gửi đến chính quyền địa phương.
Sau khi lập gia đình ra ở riêng, vợ chồng anh Tuất cũng gặp rất nhiều khó khăn, đất đai, nguồn vốn thì chưa có. Sau khi có phong trào thi đua, sản xuất, gia đình đã làm được nhà cửa ổn định, cuộc sống cũng khấm khá hơn nên đã quyết định viết đơn rút khỏi hộ nghèo.
Theo ông Định, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Thạch Ngàn hiện nay chiếm khoảng 28%, với 398 hộ; số hộ cận nghèo hơn 700 hộ; đồng bào nơi đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc Thái, hoàn cảnh còn gặp rất nhiều khó khăn.
|
Nhiều bản làng ở huyện Con Cuông đổi mới từng ngày, đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt. |
Không riêng gì anh Tuất, ngày 20/10/2019, gia đình chị Lộc Thị Bảo (SN 1985, trú ở bản Mét, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông) cũng đã có đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Chị Bảo cho hay, thực hiện kế hoạch rà soát xác định hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2016-2020, thì gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của thôn bản.
“Hiện tại, gia đình tôi cũng đã có được cuộc sống ổn định, đỡ vất vả. Nay bản thân tôi cũng nhận thực được và nhận thấy rằng còn nhiều hộ gia đình còn vất vả, khó khăn hơn gia đình tôi. Vậy tôi viết đơn này gửi lên ban rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như UBND xã Lục Dạ cho gia đình tôi xin ra khỏi hộ nghèo trong năm 2020”, đơn chị Bảo nêu rõ.
Bà Lô Thị Mậu – Chủ tịch UBND xã Lục Dạ (Con Cuông, Nghệ An) xác nhận, gia đình chị Lộc Thị Bảo mới làm xin rút khỏi hộ nghèo gửi chính quyền địa phương.
|
Mặc dù là địa bàn còn khó khăn, nhưng Con Cuông đã trở thành điểm sáng về phong trào người dân tự nguyện viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo để vươn lên làm giàu. |
Làn gió mới cho "cuộc cách mạng" giảm nghèo
Trao đổi thêm với PV Infonet, ông Nguyễn Đình Hùng – Bí thư Huyện ủy Con Cuông (Nghệ An) chia sẻ: Việc làm đơn xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của bà con nhân dân cho thấy, nhận thức của người dân về không trông chờ ỷ lại và vươn lên thoát nghèo. Để phấn đấu làm giàu theo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
“Địa phương luôn tuyên truyền và có các cơ chế, mô hình để bà con áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế. Qua đó, nhân dân huyện Con Cuông đã hiểu và trở thành phòng trào thoát nghèo để vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống”, Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho hay.
|
Đến nay, huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) đã có hơn 380 lá đơn xin rút khỏi hộ nghèo. |
Đến nay, trên địa bàn huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) đã có hơn 380 lá đơn xin rút khỏi hộ nghèo, mang đến làn gió mới cho “cuộc cách mạng” giảm nghèo ở địa phương.
Điều này đã minh chứng cho những nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân; đặc biệt là sự đổi mới trong chính sách giảm nghèo theo hướng “trao cần câu, không trao con cá”.
Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đang dần được xóa bỏ. Những tấm gương tự nguyện làm đơn thoát khỏi danh sách hộ nghèo sẽ là động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên.
Việt Hòa