Nguồn vốn chính sách trên
địa bàn huyện Con Cuông phát huy tốt hiệu quả đã góp phần thực hiện thắng lợi
Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Phòng Giao dịch
Con Cuông là tập thể điển hình toàn quốc được Ngân hàng Chính sách xã hội tuyên
dương trong tháng 5 tới đây.
Vốn ưu đãi giúp người dân
thoát nghèo
Theo chân cán bộ Ngân
hàng Chính sách xã hội huyện Con Cuông, chúng tôi tới thăm gia đình anh Lô Văn
Môn ở bản Lam Khê, xã Chi Khê. Ngôi nhà khang trang của vợ chồng anh nằm trong
khu vườn keo rộng 5 ha xanh mát, có cả xưởng sản xuất.
Anh Môn phấn khởi kể, đi
làm ăn xa, sau khi trở về quê tránh dịch Covid-19, nhờ được Ngân hàng Chính
sách xã hội hỗ trợ 50 triệu đồng, anh có điều kiện để tiếp tục với nghề may
giày và đầu tư thêm chăn nuôi, trồng rừng.
Cán
bộ Ngân hàng Chính sách xã hội thăm mô hình đóng giày của gia đình
anh Lô Văn Môn ở bản Lam Khê, xã Chi Khê (Con Cuông). Ảnh: Thu
Huyền
Ngoài trồng rừng, chăn
nuôi bò, xưởng đóng giày của anh Môn đang tạo việc làm cho 7-10 lao động tại địa
phương. Mặc dù doanh thu chưa cao, nhưng giờ đây vợ chồng anh yên tâm sản xuất
tại quê nhà. Hiện đơn đặt hàng giày đang nhiều, anh Môn mong muốn được vay thêm
vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất; mua thêm bò để chăn nuôi…
Hiện trên địa bàn huyện
Con Cuông có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả mang dấu ấn của Ngân
hàng Chính sách xã hội. Chẳng hạn hộ anh Lữ Văn Hứng ở bản Đồng Tiến, xã Lạng
Khê vay 50 triệu đồng vốn vay hộ nghèo, nay anh đã có 8 con trâu, 4 con bò và
đã thoát nghèo; hộ Quang Văn Sơn ở bản Cai, xã Cam Lâm đang được vay 100 triệu
đồng nguồn vốn vay hộ cận nghèo từ năm 2022, nay đã thoát nghèo (trước đây là hộ
nghèo) hiện nay, anh đã có 8 con trâu và sửa chữa được nhà ở kiên cố, có con
trai đang theo học Học viện Kỹ thuật quân sự,…
Cán
bộ Ngân hàng Chính sách xã hội thăm trang trại của anh Lô Văn Môn ở xã
Chi Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Thu Huyền
Nhiều tổ tiết kiệm vay vốn
còn gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ lồng ghép trong các buổi sinh hoạt
nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ, đa dạng hoạt động cho vay. Bản Bủng Xát,
xã Châu Khê là địa phương vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát, từ bao đời nay người
dân chủ yếu sống dựa vào núi rừng, nay được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội
phối hợp với địa phương đưa nguồn vốn của Nhà nước đến giúp đồng bào phát triển
chăn nuôi, đan lát... để ổn định cuộc sống.
Chị Lô Thị Linh - Tổ trưởng
Tổ Tiết kiệm và Vay vốn bản Bủng Xát cho biết: Tổ Tiết kiệm và Vay vốn của bản
có 45 tổ viên, dư nợ hiện tại hơn 3,4 tỷ đồng. Nhờ thu hút được các thành viên
sinh hoạt đều đặn, nên việc thu lãi suất, huy động tiết kiệm thuận lợi và không
có nợ xấu. Không ít trường hợp người vay trả nợ trước thời hạn, có dư, quay lại
gửi tiết kiệm.
Chị
em ở bản Bủng Xát, xã Châu Khê (Con Cuông) dệt thổ cẩm. Ảnh: Thu
Huyền
Chị Linh cũng cho biết
thêm, sau lễ ra mắt mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng bền vững, gắn với
sinh hoạt cộng đồng tháng 6/2024, các tổ viên tham gia sinh hoạt đều đặn hàng
tháng. Tại các buổi sinh hoạt, các tổ viên trao đổi kinh nghiệm trong vay vốn,
đầu tư sản xuất, gây quỹ của tổ để hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Bắc nhịp cầu đưa nguồn vốn
đến với đồng bào
Con Cuông là huyện miền
núi cao của tỉnh Nghệ An, có đường biên giới với nước bạn Lào dài 62 km, là 1
trong 10 huyện có diện tích lớn nhất cả nước. Hệ thống giao thông đi lại còn
nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 75,23%, chủ yếu là đồng bào
Thái. Nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cán bộ và nhân dân, những năm qua, công
tác giảm nghèo bền vững của địa phương này đã đạt được nhiều kết quả tích cực;
năm 2020 là gần 23%, nay giảm còn 13,8%.
Giai đoạn 2021-2025, Ngân
hàng CSXH triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù, nhất là các chương
trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, cho vay phát triển KT-XH vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi, cho vay nhà ở xã hội, cho vay người chấp hành
xong án phạt tù,…
Tổ
chức hội xã đi kiểm tra sử dụng vốn vay trong vòng 30 ngày sau
giải ngân tại xã Lục Dạ, huyện Con Cuông. Ảnh: T.H
Đơn vị đã có những cách
làm sáng tạo, phù hợp với địa bàn, qua đó, đã triển khai thành công các chương
trình tín dụng với chất lượng, hiệu quả cao. Nhờ đó, dư nợ liên tục tăng trưởng
cao, bình quân hàng năm đạt gần 20%. Đến nay, dư nợ đạt trên 708 tỷ đồng, tăng
344 tỷ đồng so với năm 2020, với 3.494 hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ tín
dụng chính sách xã hội. Liên tục trong 6 năm, từ năm 2019 đến nay, phòng giao dịch
luôn duy trì không có nợ quá hạn.
Nguồn vốn tín dụng chính
sách xã hội đã góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về giảm
nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Con Cuông. Qua đó, diện mạo huyện
nhà có nhiều đổi thay tích cực, trong đó, có 3 xã về đích nông thôn mới.
Với quan điểm “Tổ tốt thì
hội tốt, hội tốt thì xã tốt, xã tốt thì huyện chắc chắn tốt”, từ năm 2020 đến
nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Con Cuông luôn tích cực chỉ đạo, rà
soát lại từng tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy mô dân số từng thôn, bản. Huyện
Con Cuông là đơn vị đầu tiên được Ngân hàng CSXH chi nhánh Nghệ An lựa chọn thí
điểm xây dựng mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng bền vững gắn với hoạt
động cộng đồng.
Giải
ngân nguồn vốn tại điểm giao dịch xã Châu Khê, huyện Con Cuông.
Ảnh: Thu Huyền
Ông Nguyễn Việt Nam -
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Con Cuông cho biết: "Đến
nay, chúng tôi đã có 72 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động gắn sinh hoạt cộng đồng;
100% tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện giao dịch hàng tháng qua App VBSP Smart
Banking thành thục, nhiều năm liên tục đạt 100% số tổ xếp loại tốt”.
Nhờ những người bắc nhịp
cầu đưa nguồn vốn đến với đồng bào, trong nhiều năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã đến
tay người dân đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, góp phần quan trọng cùng
chính quyền các cấp thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm
nghèo bền vững trên địa bàn huyện Con Cuông.
Ông Trần Khắc Hùng - Giám
đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An đánh giá: Ngân hàng CSXH huyện Con Cuông là đơn
vị hoạt động bài bản, chất lượng tín dụng tốt. Qua các chương trình tín dụng
trên địa bàn đã làm thay đổi đời sống kinh tế, xã hội của người dân, thay đổi
tích cực cách nghĩ, cách làm của đồng bào...
“Với những kết quả đạt được,
Ngân hàng CSXH huyện Con Cuông được cấp trên ghi nhận và đánh giá cao và vinh dự
được tặng nhiều danh hiệu thi đua và nhiều hình thức khen thưởng như: 5 năm
liên tục được công nhận “Tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Thủ tướng Chính
phủ tặng Bằng khen; Thống đốc tặng Bằng khen 2 lần, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An
tặng Bằng khen 2 lần. Nhiều cá nhân được Thống đốc và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ
An tặng Bằng khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 1 Chiến sĩ thi đua ngành
Ngân hàng; 2 cá nhân được khen thưởng điển hình tiên tiến cấp tỉnh.
Thu Huyền