Sáng nay (30/03/2021),Nhóm Bảo tồn tri thức bản địa (VITIK) huyện Con Cuông tổ chức lễ ra mắt, tổng kếthoạt động năm 2020 đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2021.
Sáng nay (30/03/2021), Nhóm Bảo tồn tri thức bản địa (VITIK) huyện Con Cuông tổ chức lễ ra mắt, tổng kết hoạt động năm 2020 đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2021.
Nhóm Bảo tồn tri thức bản địa huyện Con Cuông được thành lập ngày 20/07/2020 gồm 30 thành viên trên cơ sở tách từ nhóm ViTik 2 huyện Tương Dương- Con Cuông thuộc Trung tâm vì sự phát triển bền vững Miền núi. Tại tỉnh Nghệ An hiện nay có 4 nhóm VITIK gồm các huyện: Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu và Nghĩa Đàn. Các thành viên là những nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú, những người am hiểu, yêu thích, đam mê và có tâm huyết bảo tồn phát huy các giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc.
Tục làm Vía của đồng bào Thái
Trung tâm vì sự phát triển bền vững Miền núi là một tổ chức phi Chính phủ nhằm hỗ trợ các Nhóm Bảo tồn tri thức bản địa phát huy được các bản sắc văn hóa của dân tộc như: lễ hội, các điệu dân ca dân vũ, các tác phẩm văn học dân gian. Từ việc tuần thủ hoạt động theo đúng đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước Nhóm bảo tồn tri thức bản địa cũng có nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa như khai thác nét đẹp của luật tục phối hợp xây dựng các quy ước hương ước trong việc cưới việc tang của thôn bản, giữ gìn và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường chống lại sự biến đổi khí hậu.
Năm 2020, Nhóm Bảo tồn tri thức bản địa huyện Con Cuông đã có nhiều hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể đã phối hợp với các câu lạc bộ dân ca Thái trên địa bàn huyện sưu tầm, phục dựng, sáng tác và khai thác các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào để phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng khi du khách đến tham quan, động viên khuyến khích các nghệ nhân chế tác, sử dụng nhạc cụ dân tộc Thái như khèn bè, sáo pí, xi xo, cồng chiêng, khắc luống, tăng boong bu.
Bảo tồn tri thức bản địa về việc duy trì các bài thuốc nam hỗ trợ chữa bệnh gia truyền, thuốc kháng viêm, thuốc bổ vv… truyền dạy chữ viết và tiếng nói của đồng bào Thái cho 106 học viên. Nhóm cũng đã tham gia tập huấn nghiệp vụ, giao lưu học tập kinh nghiệm hoạt động và tham quan các mô hình bảo tồn lưu giữ các nét văn hóa truyền thống như ẩm thực, giao tiếp, trang phục, nghệ thuật diễn xướng các loại hình văn hóa tâm linh, mô hình du lịch cộng đồng với các nhóm Bảo tồn tri thức bản địa thuộc dân tộc Mường, Thái Thanh Hóa, đồng bào Thái, H’Mông tỉnh Hòa Bình, dân tộc Khơ Mú tỉnh Sơn La.
Có thể khẳng định Nhóm Bảo tồn tri thức bản địa huyện Con Cuông đã có những hoạt động, đóng góp có hiệu quả được chính quyền và nhân dân các địa phương ghi nhận trong hoạt động du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa, văn nghệ dân gian, nghiên cứu và khai thác đưa vào sử dụng có hiệu quả các loại hình văn hóa tâm linh gắn với đời sống sản xuất của nhân dân. Tham mưu cho chính quyền, ngành Văn hóa phục dựng lại một số hoạt động văn hóa đang dần bị mai một như: Lễ hội tế nương, rẫy, lễ hội Xăng Khan vv…Nhóm bảo tồn tri thức bản địa cũng thu hút được nhiều thành viên trẻ tham gia nhiệt tình.
Sau lễ ra mắt là các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ với các làn điệu dân ca lăm khắp xuôi nhuôn, trình diễn các nhạc cụ dân tộc và các làn điệu dân vũ truyền thống, đẹp mắt sáng tạo hấp dẫn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc./.
Tường Vi