Đánh thức tiềm năng

Chúng tôi có dịp trải nghiệm tại điểm du lịch cộng đồng bản khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông vào một buổi tối. Đây là một trong những bản văn hóa đầu tiên của huyện Con Cuông được công nhận từ nhiều năm trước. Trong căn nhà sàn của gia đình anh Lô Văn Lan sử dụng vào việc đón khách tham quan toát lên nét văn hóa của bản làng người Thái. Các món ẩm thực đặc trưng đem mời khách cùng những lời giới thiệu về nguồn gốc, chế biến khiến cho du khách nhiều bất ngờ, thú vị. Vừa thưởng thức các món ăn, du khách còn được gia chủ kể những câu chuyện vui về phong tục tập quán, về lễ nghi của đồng bào Thái. Càng về khuya, cùng hòa quyện vào các điệu nhảy sạp, múa lăm vông, khắc luống dưới sân trong ánh lửa bập bùng tạo một không khí sinh hoạt cộng đồng vui nhộn, ấm áp.

Du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm ở Con Cuông những năm gần đây phát triển khá sôi động trở thành sự “nhận diện” của du khách và các địa phương trong tỉnh khi đặt chân đến miền Trà Lân (trong Bình Ngô đại cáo) trên hành trình khám phá vùng Tây Nghệ An. Sự phát triển của loại hình kinh tế mới đang mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người dân bản địa ở huyện Con Cuông. Cùng với đẩy mạnh du lịch cộng đồng, loại hình du lịch sinh thái khám phá cũng được đẩy mạnh thực hiện với việc hình thành một số tour - tuyến du lịch như: Tham quan vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, khám phá khe Kèm, khe nước Mọc, đập Pha Lài hay rừng tre nứa ở xã Châu Khê hoặc ngược dòng sông Giăng lên khe Khặng, khe Bu vùng dân tộc của người Đan Lai...

Không chỉ cuốn hút bởi không gian văn hóa và tận hưởng đặc trưng ẩm thực của đồng bào nơi đây, đến với Con Cuông du khách còn được chiêm ngưỡng và tận tay mua sắm được các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được chế tác thành phẩm đẹp mắt, tinh tế của chính những người dân bản địa như: Sản phẩm dệt thổ cẩm, mây tre đan, các vật dụng từ tre nứa, hay sản phẩm từ làng nghề truyền thống rượu cần của đồng bào… Tất cả góp nên nét đặc sắc hiếm có của bản làng, mang đến những thú vị trên hành trình trải nghiệm. 

Để đáp ứng về hạ tầng cho du lịch vùng Tây Nam, với sự kêu gọi, thu hút và định hướng phát triển của tỉnh, năm 2016, huyện Con Cuông đã được Tập đoàn Mường Thanh đưa vào khai thác sử dụng Tổ hợp Khách sạn - Thương mại Mường Thanh Grand Con Cuông. Trên địa bàn hiện còn là nơi đứng chân của nhiều nhà máy lớn của các chủ đầu tư uy tín như: Nhà máy Thủy điện Chi Khê, Thủy điện Khe Thơi… tạo cho địa phương một điều kiện khác biệt để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế du lịch - dịch vụ.

Theo ông Lê Thành Đô, Trưởng phòng Văn hóa thể thao huyện Con Cuông, hiện tại huyện đang phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao xây dựng đề án triển khai thực hiện các tour tuyến du lịch gồm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khám phá thiên nhiên trên cơ sở khai thác có hiệu quả các điểm đã được xác định. Đồng thời, kêu gọi đầu tư, tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động du lịch nhằm tăng hiệu quả kinh tế được xác định là trọng tâm, mũi nhọn của địa phương trong tương lai gần.

 Hoạt động văn hóa tại điểm du lịch cộng đồng Khe Rạn, xã Bồng Khê. Ảnh: Xuân Thống

Khai thác du lịch gắn bảo vệ, phát triển rừng bền vững

Thực tế trong những năm gần đây, huyện Con Cuông đã xây dựng được thương hiệu về du lịch và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh và cả du khách nước ngoài.

Tháng 9/2021, Dự án Phát triển Du lịch sinh thái cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SPG) tài trợ. Đây là dự án được Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch và các địa phương thụ hưởng ký kết nhằm hướng tới mục tiêu trước mắt là góp phần bảo tồn đa dạng sinh học khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nâng cao kiến thức, năng lực bảo vệ và phát triển rừng bền vững gắn với phát triển du lịch sinh thái. Dự án sẽ xây dựng thành công 3 mô hình phát triển du lịch sinh thái gắn kết với bảo vệ và phát triển rừng bền vững để phổ cập và nhân rộng tại khu rừng Săng lẻ bản Quang Thịnh, khu Khe Cớ bản Quang Phúc, xã Tam Đình (huyện Tương Dương) và bản Xiềng, xã Môn Sơn (huyện Con Cuông).

Tại huyện Con Cuông, dự án hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái, làng nghề dệt thổ cẩm gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững được xây dựng tại bản Xiềng, xã Môn Sơn. Những đối tượng thực hiện là người dân nơi đây được tham dự các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch phục vụ du khách cho cộng đồng và tập huấn về bảo vệ, khoanh nuôi, rừng và bảo tồn, phát triển cây nhuộm màu tự nhiên. Bên cạnh đó, dự án sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm mở rộng liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch, hợp tác xã và các hộ gia đình để nâng cao thu nhập cho người dân trong hoạt động du lịch.

Ông Vi Văn Qúy, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Để hiện thực hóa tiềm năng, lợi thế của địa phương, Đại hội Đảng bộ huyện Con Cuông lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Tây Nam của tỉnh. Cùng với những nhiệm vụ, giải pháp theo lộ trình thực hiện, huyện đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện đề án phát triển dịch vụ thương mại, đề án du lịch, đề án đô thị theo định hướng sinh thái...

Đặc biệt, Dự án GEF SPG được triển khai trong bối cảnh thực hiện các giải pháp kích cầu phát triển du lịch khi trạng thái bình thường mới là nguồn lực quan trọng để địa phương, tiếp tục kêu gọi huy động các nguồn vốn để phát triển du lịch theo nghị quyết của tỉnh.

Xuân Thống