Từ sườn Đông của dãy Trường
Sơn hùng vĩ, dòng sông Giăng miệt mài đưa nước từ đỉnh Pu Lon cao ngất, len giữa
đại ngàn thâm u, kỳ vĩ của Vườn Quốc gia Pù Mát, uốn lượn qua những bãi bờ xanh
mướt rồi đổ nước ra sông Cả. Dù chỉ là một phụ lưu, dài khoảng 150 km, nhưng
sông Giăng ẩn chứa trong mình biết bao trầm tích lịch sử, văn hóa.
Huyền tích về những cuộc
thiên di...
Trên hành trình dài gần
130 km, theo Quốc lộ 7, qua các xã Yên Khê, Lục Dạ, tôi đặt chân đến xã Môn Sơn
(Con Cuông), nơi được xem là trung tâm của vùng đất cổ Mường Quạ xưa. Đây là
nơi có địa hình lòng chảo, là nơi rộng lớn và màu mỡ nhất nơi thượng nguồn sông
Giăng.
Dân cư sống trên địa bàn
Môn Sơn phần lớn là đồng bào dân tộc Thái, tiếp đến là người Đan Lai và người
Kinh. Trong đó, người Thái chiếm phần lớn với hơn 80%. Người Thái ở Môn Sơn thuộc
nhóm Thái Man Thanh, có nguồn gốc từ phía Bắc, di cư xuống mảnh đất này từ thế
kỷ XV.
Thuyền ngược sông Giăng. Ảnh:
Nhật ThanhĐi thuyền trên sông Giăng. Ảnh: Sách NguyễnĐánh bắt cá trên sông
Giăng. Ảnh: Sách Nguyễn
Ngày nay, Môn Sơn có gần
2.400 hộ dân, với 9.600 khẩu, thuộc 14 bản. Họ sống chủ yếu xung quanh thung
lũng Mường Quạ, khác với 2 bản người Đan Lai, chủ yếu sinh sống tận khe Búng,
khe Khặng nơi thượng nguồn sông Giăng.
“Mường Quạ” là địa danh
Thái, nay thuộc các xã Môn Sơn, Lục Dạ. Sự hình thành của địa danh Mường Quạ gắn
liền với những cuộc thiên di cách đây hàng trăm năm của cộng đồng người Thái từ
phía Bắc vào đất Nghệ An.
Thung lũng Mường Quạ bên cạnh là dòng sông Giăng uốn lượn. Ảnh: Tiến Đông
Theo nhà nghiên cứu Quán
Vi Miên, địa danh “Mường Quạ” đã có từ rất lâu đời. Địa danh này đã được nói đến
trong sử thi của người Thái vùng Đông Nam Á lục địa vào khoảng thế kỷ XI – XII,
đó là sử thi Khủn Chưởng. Trong sử thi này, Chủ Mường của người
Thái là Khủn Chưởng đã chinh phục đất của Tạo Quạ – thủ lĩnh của người Pák Căn
(thuộc tộc người Môn – Khơ Me), vùng đất Lạn Xạng (Lào) tiếp giáp với miền Tây
Nghệ An ngày nay.
Tương truyền, dưới thời
nhà Lý, nhận thấy vùng đất Con Cuông giàu tiềm năng, dân cư thưa thớt, lại có vị
trí chiến lược quan trọng (giáp với Ai Lao), Lý Nhật Quang đã chiêu dân cùng
binh lính lập đồn khai phá ruộng đất, lập làng bản.
“Ngoáy hén tầu cáng na
Tạo Quạ
Mổng hến pả phảy
tòng liệp nặm pả phảy đáng pun
Xai mun lộn xai
háo đú lạc
Phạc ạ phạc mương
Lao.
Dịch nghĩa: Vung
tay về giữa ruộng Tạo Quạ
Trông thấy rừng
tre dọc bờ sông (Giăng), rừng tre đương tốt
Cát mịn trộn cát
trắng đẹp quá!
Phía bên ấy là Mường
Lào.
- Sử thi Trông mường
Đến giữa thế kỷ XV, khi
nghĩa quân Lê Lợi phải rút vào Nghệ An xây dựng, củng cố lực lượng, khi vây
đánh thành Trà Lân, hưởng ứng tinh thần của nghĩa quân Lam Sơn, đồng bào các
dân tộc đã hăng hái tòng quân, ủng hộ voi ngựa, vũ khí, lương thảo, hợp lực
cùng nghĩa quân đánh giặc.
Vào cuối triều Nguyễn,
khi thực dân Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta, năm 1885, Vua Hàm Nghi ban chiếu Cần
Vương kêu gọi nhân dân chống Pháp. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, nhà nho Lê Doãn
Nhã đã chọn vùng đất Con Cuông, Anh Sơn làm địa bàn hoạt động. Tại đây, Lê Doãn
Nhã đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của tù trưởng người Thái ở Môn Sơn là Lang
Văn Út - còn gọi là Hầu Bông.
Vùng
đất Mường Quạ từng có nhiều đóng góp cho công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại
xâm của nước nhà. Ảnh: Tiến Đông
Với sự phối hợp của Lang
Văn Út và các tù trưởng người Thái, nghĩa quân Lê Doãn Nhã đã khống chế phần lớn
tuyến đường tiếp tế của thực dân Pháp từ miền xuôi lên miền núi qua đường 7.
Lúc này, nghĩa quân đã kiểm soát cả một vùng rộng lớn từ huyện Anh Sơn đến huyện
Con Cuông và đánh nhiều trận khiến địch hoang mang, lo sợ.
Về sau, khi Đảng cộng sản
Việt Nam ra đời, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, một chi bộ Đảng đầu tiên của
đồng bào các dân tộc thiểu số Nghệ An đã được thành lập ở Môn Sơn vào tháng
4/1931 do đồng chí Vi Văn Khang làm Bí thư. Đêm 14/9/1931, để phản đối sự khủng
bố cách mạng của thực dân Pháp, Vi Văn Khang đã lãnh đạo nhân dân Môn Sơn tổ chức
cuộc biểu tình quy mô lớn với 300 người tại cây đa Cồn Chùa tạo nên tiếng vang
lớn.
Nhà
lưu niệm cụ Vi Văn Khang tại xã Môn Sơn. Ảnh: Nguyễn Đạo
Ngày nay cả ngôi nhà của
cụ Vi Văn Khang và cây đa Cồn Chùa tại Môn Sơn đều đã được công nhận là Di tích
lịch sử, trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng
nơi mảnh đất Mường Quạ này.
...đến hạt gạo thơm Mường
Quạ
Nằm bên bờ sông Giăng,
thung lũng Mường Quạ thường được tưới, tắm bằng những mảng phù sa màu mỡ. Theo
những câu chuyện truyền đời của người Thái tại vùng đất này, người có công lớn
khai phá nên cánh đồng Mường Quạ với những hạt lúa chắc mẩy, là Hầu Bông - chí
sĩ cách mạng Lang Văn Út, cũng là tù trưởng người Thái có uy tín thời bấy giờ.
Ông còn kêu gọi nhân dân ở
Phủ Quỳ sang giúp sức đào mương dài 3km từ bản Mét (Lục Dạ) đến bản Xiềng (Môn
Sơn), lòng rộng 5m, sâu 4m gọi là mương Phai Ló hay mương Pún. Hiện nay, con
mương này vẫn đang được người dân các bản: Khe Ló, bản Cằng và bản Xiềng sử dụng.
Khi ông mất, nhân dân lập đền thờ, gọi là đền Pún để tưởng nhớ ông.
Sông
Giăng uốn quanh Phà Lài - hay còn gọi là Lèn hoa. Ảnh: Tiến Đông
Ngày nay, cánh đồng Mường
Quạ rộng đến hơn 700ha được bao bọc bởi các dãy núi đá cao vút, là nơi cung cấp
thứ gạo ngon nức tiếng của mảnh đất Con Cuông. Dân gian vẫn lưu truyền câu ca
“Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng”, như là sự đúc kết ngắn gọn về một vùng quê giàu
bản sắc với những mảng trầm tích lịch sử, văn hóa phong phú.
Người Môn Sơn bảo rằng,
cá sông Giăng ngon bởi nó được sinh sôi, quẫy đạp từ mạch nước ngọt, chảy luồn
qua khe đá từ vùng lõi rừng Pù Mát. Để rồi, nguồn nước ấy chảy vào đồng ruộng,
tưới tắm cho cây lúa, giúp cây lúa tốt tươi, nở hạt chắc mẩy, bát cơm giữ được
hương vị dẻo thơm của núi rừng.
Sự ghi nhận trong dân
gian còn là minh chứng cho một miền quê trù phú được thiên nhiên ưu đãi tạo ra
những giá trị riêng trong không gian miền Tây của Nghệ An.
Mâm
cơm truyền thống của người dân Môn Sơn. Ảnh: Sách Nguyễn
Ông Lê Thanh Hải - Bí thư
Đảng ủy xã Môn Sơn còn khoe với tôi rằng, trong vụ lúa xuân vừa qua, trên cánh
đồng Mường Quạ, nhân dân đã gieo cấy được hơn 360ha, sản lượng đạt 2.415,6 tấn,
giá trị kinh tế đạt hàng chục tỷ đồng.
Đặc biệt, với những tiềm
năng sẵn có, Môn Sơn đang tập trung đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch
cộng đồng gắn với các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó tập trung tại
bản Xiềng và khu vực đập Phà Lài.
Theo ông Hải, thông qua
các lớp tập huấn, hỗ trợ, người dân nơi đây đã được tìm hiểu và hướng dẫn nghiệp
vụ du lịch phục vụ du khách. Ngoài ra còn được liên kết, hợp tác với các doanh
nghiệp du lịch, góp phần nâng cao thu nhập trong hoạt động du lịch, nhưng vẫn
giữ được những nét bản sắc văn hóa vốn có của địa phương mình.
Dệt
thổ cẩm ở Môn Sơn. Ảnh: Sách Nguyễn
Đặc biệt, những năm gần
đây, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp tổ chức được nhiều phiên chợ vùng
cao với tên gọi "chợ phiên Mường Quạ", thu hút được hàng nghìn lượt
khách đến tham quan, mua sắm với rất nhiều mặt hàng phong phú. Góp phần làm lan
tỏa những giá trị văn hóa của mảnh đất này.
Dẫu vậy, để phát triển du
lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nơi mảnh đất này thì còn rất nhiều việc phải
làm. Trước hết phải có sự đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho không
chỉ du lịch mà còn phục vụ cho đời sống dân sinh. Cùng với đó là nhiệm vụ bảo tồn
tài nguyên thiên nhiên, trân trọng môi trường và các giá trị truyền thống vốn
có, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch có thương hiệu. Có thể gắn với cá mát sông
Giăng và bát cơm Mường Quạ như chính câu ca còn lưu truyền trong dân gian.
Những
dãy núi nhấp nhô bao quanh thung lũng Mường Quạ. Ảnh: Tiến Đông
Rời Môn Sơn, rời thung
lũng Mường Quạ, khi tiếng réo rắt của những con thác trên dòng sông Giăng xa dần.
Tôi cứ nghĩ mãi, với vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát, một trong những khu dự
trữ sinh quyển có tầm quan trọng bậc nhất của Việt Nam và trên thế giới, điều
mà mảnh đất này cần để cất cánh phải chăng là những dự án du lịch có tầm cỡ và
những nhà đầu tư có năng lực thực sự như chính cái cách Pù Luông - một khu bảo
tồn thiên nhiên tại Thanh Hóa đã làm được trong những năm qua...
Tiến Đông