Từ một xã đặc biệt khó khăn, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và phát huy nội lực của nhân dân, bộ mặt của xã Bình Chuẩn (Con Cuông) đã có nhiều khởi sắc.
Một thời gian khó
Chúng tôi đã nhiều lần đến với Bình Chuẩn, xã vùng sâu, vùng xa của huyện Con Cuông. Bình Chuẩn nằm một góc cheo leo, giáp ranh với các huyện Tương Dương, Quỳ Hợp và Quỳ Châu. Bao quanh là những dãy núi điệp trùng và những con dốc chạy dài khúc khuỷu, trong đó, phải kể đến dốc Bù Lìu giáp với xã Đôn Phục (Con Cuông) và dốc Pù Huột giáp với xã Xiêng My (Tương Dương).
Mỗi khi nhắc đến 2 con dốc này là nhắc đến thử thách, gian nan của người dân xã Bình Chuẩn khi rời bản làng và cũng là thử thách của người từ nơi khác muốn đặt chân đến xã Bình Chuẩn.
|
Nét đẹp cánh đồng Nà Cọ, xã Bình Chuẩn (Con Cuông). Ảnh: Đình Tuyên
|
Chúng tôi đến xã Bình Chuẩn lần đầu tiên vào khoảng hơn 15 năm trước, khi vùng đất này còn hoang sơ, cuộc sống rất đỗi bộn bề, gian khó. Quãng đường từ thị trấn Con Cuông đến xã Bình Chuẩn khoảng 30 km, nhưng chiếc xe máy Min-khơ chạy từ đầu buổi sáng đến quá trưa mới đến nơi. Chủ nhân của chiếc Min-khơ là người chuyên chạy xe ôm trên tuyến đường này, nắm rõ đặc điểm từng đoạn đường, con suối, đèo dốc.
Lúc bấy giờ khỏi phải kể những vất vả, nhọc nhằn trên “con đường đau khổ” ấy. Nhất là khi vượt dốc Bù Lìu nối bản Hồng Điện (xã Đôn Phục) với bản Quẹ (xã Bình Chuẩn), đường trơn như mỡ, phải quấn xích vào lốp xe để chống trượt. Chiếc xe rú ga vang cả núi, khói đen tỏa kín một vùng, bánh xe nhích từng tí một. Cuốc xe ấy có giá 300.000 đồng, số tiền không hề nhỏ trong thời điểm ấy.
Khi đặt chân đến xã Bình Chuẩn, trước mắt chúng tôi là cảnh những con đường nhỏ lầy lội, dây điện tua-bin mi ni giăng mắc khắp khe, suối, bờ rào và cả lối đi. Những ngôi nhà sàn lặng lẽ chênh vênh bên sườn núi, cảnh vật vắng vẻ, hiu hắt. Khi ấy, ông Lương Văn Là, một người dân bản Tông nói: “Bình Chuẩn là xã “4 không”, đó là không chợ, không điện lưới, không sóng điện thoại, đường thì không ra đường”.
|
Hệ thống cọn nước – tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở xã Bình Chuẩn (Con Cuông). Ảnh: Đình Tuyên
|
Thật vậy, với “4 không” như thế đã giam hãm xã Bình Chuẩn trong đói nghèo, lạc hậu và thiếu thốn. Sau chuyến đi ấy, chúng tôi có phóng sự “Bình Chuẩn chưa… chuẩn”, nói về thực trạng khó khăn của vùng đất này.
Sau đó, chúng tôi nhiều lần trở lại xã Bình Chuẩn, mỗi lần trở lại chứng kiến một vài đổi thay nho nhỏ, nhưng nói chung vẫn là cảnh thiếu thốn, bộn bề và nghèo khó.
Rồi như bao vùng quê khác, xã Bình Chuẩn được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, điện lưới về tới mỗi nhà, tuy muộn màng nhưng tuyến đường Con Cuông – Bình Chuẩn cũng được nâng cấp, rải nhựa, thuận tiện cho việc đi lại. Có điện, có đường, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Thái nơi đây từng bước đổi thay, khởi sắc.
Tiếp sức để Bình Chuẩn thực sự... chuẩn!
Lần này, chúng tôi theo đoàn khảo sát du lịch sinh thái của Sở Du lịch lên xã Bình Chuẩn để tìm hiểu, xây dựng sản phẩm du lịch và mở rộng các điểm kết nối. Chiếc xe 16 chỗ vượt dốc Bù Lìu thật nhẹ nhàng và “mượt”, không còn cảnh động cơ gầm rú, bánh xe vật vã với mặt đường như trước kia.
Đến ngã 3 bản Tông, nhập vào Quốc lộ 48C, khung cảnh thực sự đông vui, nhộn nhịp, hàng quán khá tấp nập. Gặp lại ông Lương Văn Là đang lùa đàn bò lên rẫy, sau cái bắt tay thật chặt, ông nói: “Bình Chuẩn hôm nay khá… chuẩn rồi, các chú ạ!”.
|
Khám phá vẻ đẹp hang Thẳm Tông, xã Bình Chuẩn (Con Cuông). Ảnh: Đình Tuyên
|
Tiếp chúng tôi, ông Phạm Xuân Mạnh - Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn “khoe” rằng: “Không cần nói xa xôi gì, chỉ so với 5 năm về trước, xã Bình Chuẩn đã có nhiều đổi mới. Giờ đây, điện, đường, trường, trạm đã đầy đủ, bà con chỉ việc chăm lo làm ăn, sản xuất, các công trình phúc lợi xã hội đã được Nhà nước quan tâm đầu tư, xây dựng”.
Xã Bình Chuẩn nay có 7 bản, với gần 1.030 hộ (hơn 4.450 khẩu), đa phần là đồng bào dân tộc Thái, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo ở mức gần 30%. Phần lớn diện tích đồng ruộng ở xã Bình Chuẩn đều có đủ nước tưới, với 5 con đập lớn, trong đó, lớn nhất là đập Nà Cọ, đảm bảo cho mỗi mùa vụ đều bội thu.
Người dân 7/7 bản của xã đều đã được dùng điện lưới quốc gia với 8 trạm biến áp, đảm bảo cường độ và sự an toàn cho người sử dụng. Tuyến Quốc lộ 48C đi qua địa bàn xã Bình Chuẩn với chiều dài gần 20 km; tuyến thị trấn Con Cuông – Bình Chuẩn, nỗi “kinh hoàng” năm xưa giờ được nâng cấp thành Tỉnh lộ 541, việc đi lại, giao thương đã thực sự dễ dàng, thuận lợi.
Nhiều tuyến đường nội bản đã được bê tông hóa, cuộc sống bản làng ngày một văn minh, có 3 bản đạt danh hiệu Làng Văn hóa, 2 bản đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đã đạt mức trên 15 triệu đồng.
Chưa có điều kiện xây dựng chợ thương mại, mấy năm nay, xã Bình Chuẩn đã có sáng kiến tổ chức chợ phiên hàng tháng để bà con giao lưu, buôn bán các sản vật địa phương. Mỗi phiên chợ thu hút hàng nghìn người đến mua, bán, trao đổi, người dân các xã, huyện lân cận cũng tìm đến giao lưu.
|
Chợ phiên Bình Chuẩn. Ảnh: CSCC
|
Như vậy, “4 không” của 15 năm trước đã được xóa bỏ, xã Bình Chuẩn đã thực sự vươn mình nhờ sự “tiếp sức” của Đảng, Nhà nước.
Kết thúc chuyến khảo sát, các thành viên trong đoàn đánh giá cao một số điểm ở xã Bình Chuẩn như đập Nà Cọ, hệ thống hơn 30 cọn nước, hang Thẳm Tông. Những điểm này kết hợp với những nếp nhà sàn cổ ở bản Đình, bản Xiềng và chợ phiên Bình Chuẩn sẽ thu hút được du khách thập phương về trải nghiệm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng ở chốn “sơn kỳ, thủy tú” này.
“Phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng là chủ trương của Đảng ủy, chính quyền xã, cũng là nguyện vọng tha thiết của bà con nhân dân xã Bình Chuẩn. Xã rất mong được các cấp, các ngành hỗ trợ để tiếp tục phát huy nội lực trong phát triển du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung, để xã Bình Chuẩn thực sự… chuẩn”.
Ông Phạm Xuân Mạnh - Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn
Công Kiên