Xử lý dứt điểm tình trạng lộn xộn ở điểm du lịch Phà Lài (Con Cuông)
Chính quyền UBND huyện
Con Cuông vừa thành lập Ban cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả
đối với những chủ nhà hàng nổi vi phạm khi lấn chiếm đất rừng, xây dựng nhà
hàng kinh doanh trái phép ở điểm du lịch Phà Lài. Đây là động thái mới nhất sau
nhiều năm nỗ lực vận động và hàng loạt cuộc đối thoại nhưng không mang lại kết
quả.
Chiếm đất rừng phòng hộ
làm nhà hàng
Ngày 5/2, ông Trần Anh Tuấn
– Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết, địa phương đang lên phương án tiến
hành cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 3 hộ dân ở điểm du lịch Phà Lài (xã Môn Sơn). Đây chính là những
chủ nhà hàng bè nổi hoạt động kinh doanh ở đập Phà Lài được cho là tiềm ẩn nguy
cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Không những thế, những
nhà hàng này còn lấn chiếm đất phi nông nghiệp, đất phòng hộ để làm nơi kinh
doanh.
Động thái này diễn ra sau
nhiều năm chính quyền địa phương loay hoay xử lý tình trạng lộn xộn ở điểm du lịch
này. Đã có rất nhiều giải pháp được tiến hành, cùng với đó là hàng loạt cuộc đối
thoại giữa lãnh đạo UBND huyện với các chủ nhà hàng bè nổi, nhưng những hộ dân
này vẫn không tháo dỡ những công trình trái phép, công khai đón du khách đến ăn
uống, tham quan.
“Lần này chúng tôi sẽ
kiên quyết xử lý dứt điểm. Không để tình trạng lộn xộn kéo dài. Phải đưa điểm
du lịch này vào hoạt động bài bản, đúng quy định. Từ đầu tháng 1/2025, UBND huyện
đã ban hành các quyết định cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả đối với những hộ
chiếm đất rừng phòng hộ, đất phi nông nghiệp và yêu cầu tháo dỡ các công trình,
trả lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và trả lại đất đã chiếm
trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, sau đó những công trình này vẫn chưa được tháo dỡ.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó
chủ tịch UBND huyện Con Cuông
Phà
Lài là một trong những điểm du lịch hút khách ở Nghệ An trong những năm qua. Ảnh:
Tiến Hùng
Đây không phải lần đầu
tiên, những chủ nhà hàng này không chấp hành yêu cầu của chính quyền địa
phương. Trước đó, ngày 30/06/2023, nhằm xây dựng bến du lịch Phà Lài đảm bảo
đúng quy định, sớm đưa hoạt động du lịch đi vào nề nếp, đảm bảo an toàn cho du
khách tham quan, giải trí, UBND huyện Con Cuông đã phát văn bản yêu cầu chậm nhất
đến ngày 10/07/2023, phải dừng mọi hoạt động vận tải khách bằng đường thủy nội
địa tại khu vực đập Phà Lài. Đối với các phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn lưu
hành, được phép di chuyển lên hoạt động tại bến hành khách Phà Lài 2. Ngoài ra,
UBND huyện Con Cuông còn yêu cầu các chủ bè nổi kinh doanh tại khu vực đập Phà
Lài phải bàn giao mặt bằng tại khu vực mặt nước trên sông Giăng lại cho UBND
huyện trước ngày 10/7/2023. Đồng thời, yêu cầu các chủ bè nổi đã ký cam kết sẽ
tự tháo dỡ các công trình xây dựng, vật kiến trúc, vật tư, vật liệu, hàng hóa,
máy móc, thiết bị… ở khu vực đập Phà Lài trước ngày 8/7/2023.
Tuy nhiên, các chủ bè nổi
cũng như chủ nhiều phương tiện đường thủy sau đó không chấp hành những yêu cầu
nói trên. Vì thế, đến ngày 14/06/2023, chính quyền địa phương buộc phải tiến
hành xây dựng rào chắn tại khu vực đập Phà Lài (có chừa một khoảng ra, vào, lắp
cửa, có chốt khóa). Đồng thời, thông báo tạm dừng hoạt động du lịch tại đập, chỉ
dẫn người dân và du khách có nhu cầu du thuyền di chuyển lên bến Phà Lài 2. Mặc
dù vậy, một số phương tiện thủy nội địa sau đó vẫn chưa di chuyển vào bến Phà
Lài 2 như yêu cầu. Các nhà bè nổi thì không có động thái tháo dỡ, di chuyển vật
tư… ra khỏi khu vực đập Phà Lài. Tình trạng đưa, đón khách bằng đường thủy nội
địa, hoạt động đón khách, ăn uống trên các bè nổi ở đập Phà Lài vẫn còn diễn
ra.
Trước thực trạng đó,
chính quyền xã Môn Sơn đã cử lực lượng lên tiến hành khóa cửa rào chắn tại đây
nhưng gặp sự phản đối quyết liệt từ các chủ nhà bè nổi. Vì thế, dù xây dựng rào
chắn nhưng vẫn vô dụng, bởi khách vẫn thoải mái ra, vào nhà bè nổi. Không còn
phương án nào khác, lãnh đạo xã Môn Sơn đành phải phát văn bản, kiến nghị huyện
chỉ đạo lực lượng chức năng trực tiếp kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện thủy
nội địa không đủ điều kiện hoạt động, nhằm ngăn chặn tình trạng các phương tiện
này đưa, đón khách.
Hàng
rào được dựng lên nhưng không hiệu quả. Ảnh: Tiến Hùng
Lãng phí điểm du lịch tiềm
năng
Đập Phà Lài nằm trên dòng
sông Giăng, được xây dựng từ năm 2000 với mục đích chính là phục vụ cho nhu cầu
canh tác và sinh hoạt của bà con nhân dân. Đây là một trong những công trình thủy
lợi lớn nhất ở miền Tây Nghệ An.
Những năm gần đây, Phà
Lài đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch nhờ vẻ đẹp bình
yên, thơ mộng. Trong tiếng Thái, Phà Lài có nghĩa là lèn hoa hay hoa lèn trên
đá. Cái tên này gắn liền với đặc điểm thiên nhiên nơi đây. Trong khu du lịch
sinh thái Phà Lài có các núi đá chênh vênh với rất nhiều loài dây leo. Sự sắp xếp
kỳ diệu của thiên nhiên tạo nên những dải hoa màu rực rỡ cheo leo trên đá….
Nhiều
nhà hàng lấn chiếm đất rừng phòng hộ. Ảnh: Tiến Hùng
Nắm bắt được nhu cầu của
du khách, một số hộ dân bắt đầu làm nhà hàng nổi, mua sắm thuyền chở khách khám
phá sông Giăng. Theo lãnh đạo UBND xã Môn Sơn, việc kinh doanh tự phát này ngày
càng được mở rộng, đã xảy ra tình trạng không đảm bảo an toàn cũng như ảnh hưởng
đến môi trường, an ninh, trật tự.
“Đã có một số vụ tai nạn
đường thủy xảy ra, may mắn không gây thiệt hại về người. Có lần có tảng đá lớn
từ trên núi rơi xuống nhà hàng nổi... Ngoài ra, để mở rộng dịch vụ, một số chủ
nhà hàng nổi còn lấn chiếm đất rừng phòng hộ để làm khu vệ sinh. Chính quyền nhắc
nhở không được, kiểm tra ban ngày thì họ lén lút làm ban đêm”.
Ông Lương Văn Hoa – Chủ tịch
UBND xã Môn Sơn, huyện Con Cuông
Trước khi yêu cầu những
nhà hàng nổi này tự tháo dỡ công trình vào năm 2023, UBND huyện Con Cuông cũng
đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, bất cập như các nhà bè đang hoạt động khi chưa được
cấp phép, không có đăng ký, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và vi phạm
các quy định khác về môi trường, an toàn phòng cháy. Trong khi đó, nhiều phương
tiện vận tải trên sông không có đăng kiểm hoặc kiểm định nhưng đã hết thời hạn
và hiện tại không đủ điều kiện. Các cá nhân, hộ gia đình tự liên kết hình thành
tổ hợp kinh doanh có bán vé chuyên chở hành khách gây mất an ninh, trật tự,
nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông và thất thu thuế cho Nhà nước. Hoạt động
kinh doanh dịch vụ ăn uống, du lịch và hoạt động khác trên mặt nước của các cá
nhân, hộ gia đình gây ô nhiễm môi trường, nhất là việc xả rác thải và các chất
lỏng qua sử dụng trực tiếp xuống dòng sông. Việc xây dựng các công trình, vật
kiến trúc cố định như đường dẫn xuống nhà bè, khu vực nấu ăn, nhà vệ sinh vi phạm
trật tự quản lý xây dựng và xâm hại khu vực rừng phòng hộ ảnh hưởng đến kết cấu
hạ tầng công trình thủy lợi và nguy cơ gây sạt lở đất đá tại khu vực này…
-0004bb1e9670bda5fa9d38c1f0ea3158.jpg)
Vẻ
đẹp ở đập Phà Lài. Ảnh: Thành Cường
Đặc biệt là tình trạng
tranh giành hành khách và mặt bằng kinh doanh dẫn tới có những tranh chấp ảnh
hưởng đến môi trường kinh doanh và hoạt động quy hoạch chung toàn khu vực, gây ảnh
hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự.
Để phát triển du lịch ở đập
Phà Lài, đưa địa điểm này vào hoạt động quy củ, phát huy hết tiềm năng vốn có,
từ năm 2017, huyện Con Cuông đã kêu gọi Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch VSC vào
đầu tư với những cam kết tạo điều kiện thuận lợi. Doanh nghiệp này đã lập dự án
và được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư, đồng ý chủ trương giao đất.
Doanh nghiệp đã vừa xây dựng vừa khai thác… Tuy nhiên, các nhà hàng nổi tự phát
của tư nhân nói trên đã hoạt động trong phần đất và mặt nước đã được giao cho
doanh nghiệp. Chính vì thế, giữa doanh nghiệp và các chủ nhà hàng cũng đã nhiều
lần xảy ra mâu thuẫn.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng
hộ quyết định cưỡng chế của UBND huyện. Tình trạng lộn xộn ở Phà Lài trong những
năm qua khiến cho xã rất mệt mỏi. Không những thế, còn gây ra lãng phí một điểm
du lịch rất có tiềm năng. Địa phương rất mong muốn đưa điểm du lịch này vào hoạt
động bài bản, đảm bảo đúng theo quy định.
Ông Lương Văn Hoa – Chủ tịch
UBND xã Môn Sơn, huyện Con Cuông
Thực hiện: Kỳ Đông