image banner
Ý nghĩa, lịch sử ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.

Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 là ngày kỷ niệm, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, sự nhiệt thành, đôi khi là cả máu và nước mắt, để độc giả có những bài báo hay sự kiện nóng hổi, chân thật. Báo chí cách mạng đã góp phần không nhỏ trong việc phát huy tinh thần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, từ năm 1860 đã có một số tờ báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành.

Từ khi có Báo Thanh niên, báo chí Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Ngày 2/6/1950, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức quyết định cho thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, tổ chức Báo chí Quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.

Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 52 ngày 05/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh niên xuất bản số đầu tiên. Đây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.

Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Báo chí cách mạng đồng hành cùng sự phát triển của xã hội Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm, xem báo chí như một thứ vũ khí tư tưởng sắc bén, là tiếng nói của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn xã hội rộng lớn của nhân dân. Trên cả một chặng đường dài, lịch sử báo chí cách mạng luôn gắn liền với những mốc son sáng chói của lịch sử cách mạng dân tộc: Vận động thành lập Đảng; huấn luyện cán bộ; chuẩn bị cơ sở lý luận, chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng ngày 3/2/1930; cổ vũ nhân dân làm cao trào cách mạng 1930 - 1931, phong trào vận động dân chủ 1936 – 1939, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945; đấu tranh sắc bén trên mặt trận chính trị - tư tưởng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước. Trong từng giai đoạn cách mạng, báo chí cách mạng luôn giữ vai trò định hướng dư luận xã hội.

Kế thừa và phát triển những tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về báo chí cách mạng, cũng như thừa hưởng những thành quả của cách mạng qua hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, tư duy và quan điểm của Đảng ta về báo chí không ngừng phát triển. Bên cạnh đó, nhà nước ta cũng đã có những chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động được thuận lợi hơn.

Luật Báo chí năm 2016 đã khẳng định: Báo chí là cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo… Báo chí không chỉ phản ánh một cách kịp thời những diễn biến của đời sống xã hội, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tới người dân, mà đó còn là kênh thông tin để nhân dân có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình, là công cụ đắc lực để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội, từ đó tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, báo chí nước ta đã thể hiện ngày càng rõ, càng thực chất về vai trò diễn đàn nhân dân; không chỉ ở việc các tầng lớp nhân dân bày tỏ quan điểm, ý kiến, mà còn đóng góp trí tuệ, hiến kế xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bài trừ đi các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đặc biệt, lần đầu tiên, báo chí được xem như là một trong bốn hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên - như Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII) đã xác định.

Cùng với sự phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò to lớn trong việc tham gia quản lý xã hội, quản lý hệ thống chính trị của đất nước, thông qua việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Điều này đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, chính là một sự khẳng định dân chủ hóa đời sống báo chí và Luật Báo chí 2016 cũng là một bước phát triển, đổi mới lý luận báo chí cách mạng.

Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt việc tốt. Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, quyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc bền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa phẩm xấu len lỏi vào Việt Nam. Báo chí đã tổ chức khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội.

Trong giai đoạn cách mạng mới, báo chí cách mạng Việt Nam phải tiên phong trên mặt trận tư tưởng, phải tỉnh táo, cảnh giác, trong quá trình tác nghiệp phải lấy thực tiễn sinh động của đất nước qua từng ngày đổi mới để tấn công, vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CON CUÔNG
Cơ quan chủ quản: UBND huyện Con Cuông
Chịu trách nhiệm nội dung: Lô Văn Thao -  Chủ tịch UBND Huyện

Trụ sở: Khối 2 - Thị trấn Con Cuông - huyện Con Cuông, Nghệ An
Điện thoại: 0238.3 873 104 - Email: concuong@nghean.gov.vn