Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,74% mỗi năm

Trước đây, gia đình chị Tô Thị Hương (xã Châu Bình, huyện Tương Dương) thuộc diện hộ nghèo. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị mạnh dạn vay vốn mua trâu, bò phát triển kinh tế. Chỉ sau vài năm, gia đình chị thoát nghèo và trở thành hộ có kinh tế khá giả… “Nhờ chăn nuôi hiệu quả, năm 2020 gia đình tôi thoát khỏi hộ cận nghèo, đầu tư thêm đất rừng với diện tích 3ha canh tác 50 năm để trồng cây keo và trồng cỏ chăn nuôi đàn trâu, bò, đào ao thả cá”, chị Hương chia sẻ.

Cũng như chị Hương, gia đình ông Vi Văn Đoàn (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) trước đây là một trong số những hộ nghèo nhất bản Xiềng; cuộc sống chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước. Sau khi được tạo điều kiện vay vốn trồng các loại cây lâu năm, chăn nuôi trâu, bò, gà và 5 bè cá lồng, gia đình ông đã thoát nghèo… Tương tự, gia đình ông Đoàn Duy Từ (xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu), nhờ cải tạo 7ha đất vườn đồi xây dựng mô hình trang trại, đầu tư nuôi hơn 7.000 con ngan, gà, vịt, hàng trăm con lợn rừng và trồng thêm cây ăn quả… nên thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm, đạt danh hiệu nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.

Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu) Trần Việt Đức cho biết: từ năm 2016, cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 135 và chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của địa phương được quan tâm đầu tư hoàn thiện. Người dân tiếp cận được các nguồn vốn vay đã tập trung triển khai các mô hình phát triển sản xuất, không ngừng cải thiện về thu nhập (tăng từ 19,14 triệu đồng/người, năm 2016 lên 26,12 triệu đồng/người năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ 55,36% xuống còn 8,31%.

Trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo bền vững như: trồng rau sạch, cây dược liệu (huyện Quế Phong); trồng gừng, khoai sọ (huyện Kỳ Sơn); chăn nuôi lợn đen, lợn rừng (huyện Tương Dương); cam không hạt (huyện Quỳ Hợp); chăn nuôi vịt bầu (huyện Quỳ Châu); rau an toàn (huyện Quỳnh Lưu, Nam Đàn); các mô hình chăn nuôi trang trại lợn (huyện Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc)…

Số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho thấy, tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn 3,42% hộ nghèo; 5,41% hộ cận nghèo. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,74%/năm. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 2,74% hộ nghèo, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm trung bình 1 - 1,5% mỗi năm; riêng khu vực vùng miền núi giảm từ 2 - 3%/năm... Những con số này đã phản ánh rõ nét nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh.

Bí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng trao gạo cho các hộ nghèo. ảnh B.HẬUBí thư Huyện ủy Con Cuông Nguyễn Đình Hùng trao gạo cho các hộ nghèo
Ảnh: B.HẬU

Khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2.9.2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 21.8.2017 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo theo từng giai đoạn; bảo đảm đồng bộ, kịp thời, thiết thực, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo; huy động sự tham gia của cả cộng đồng giúp đỡ các hộ thoát nghèo bền vững.

Hàng năm, căn cứ Nghị quyết của HĐND tỉnh giao các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định giao chỉ tiêu, kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo cho UBND các huyện, thành phố, thị xã. Ngoài các cơ chế, chính sách của Trung ương, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng như: Quyết định số 53/2016/QĐ-UBND ngày 31.8.2016 về Quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc gia đình cận nghèo giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 56/2016/QĐ-UBND ngày 29.9.2016 ban hành chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài các huyện 30a; Quyết định phân công 113 cơ quan, đơn vị nhận hỗ trợ giúp đỡ 115 xã nghèo trên địa bàn 11 huyện miền Tây của tỉnh…

Bài 1: Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân -0

Bài 1: Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân -1Mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện
Ảnh: T. Duy

Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn phân bổ hơn 1.056.000 triệu đồng thuộc Chương trình 30a, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 63 công trình hạ tầng cơ sở; duy tu, bảo dưỡng hơn 83 công trình; thực hiện các nội dung về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình; hỗ trợ lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…

Đánh giá về những kết quả tích cực của công tác giảm nghèo bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long cho rằng, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về công tác giảm nghèo bền vững đã được nâng lên và có chuyển biến rõ rệt. Giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhờ vậy, hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh tiếp cận tốt hơn với các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Đời sống người dân cải thiện đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Diệp Anh