Dưới nếp nhà sàn người
dân bản Diềm (xã Châu Khê, huyện Con Cuông) rộn ràng tiếng đan lát. Nghề mây
tre đan truyền thống tưởng chừng mai một, nay đang hồi sinh mạnh mẽ, vươn xa
không chỉ trong nước mà còn đến tận Đức, Pháp, Nhật...
Nép mình giữa đại ngàn
hùng vĩ, bản Diềm (xã Châu Khê, huyện Con Cuông) tựa như một nét vẽ bình yên
trên bức tranh thiên nhiên rộng lớn. Đây là nơi sinh sống của chủ yếu đồng bào
Thái và Đan Lai, những con người gắn bó với rừng, với nghề mây tre đan. Ảnh: Đức
Anh
Từ xa xưa, người dân bản Diềm đã tận dụng nguồn nguyên liệu tre, luồng, mét,
giang để tạo nên những vật dụng phục vụ đời sống hằng ngày như rổ, rá, thúng, mủng...
không chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình mà còn để trao đổi, buôn bán. Thế nhưng,
có thời điểm, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, nhiều người đành ngậm ngùi bỏ
nghề, tìm nghề khác. Trong ảnh: Ngôi nhà sàn nơi các thành viên HTX tập trung để
làm các sản phẩm mây tre đan. Ảnh: Đức Anh
Năm 2016, bà Lang Thị Hoa, một người
con tâm huyết của bản, đã phối hợp cùng gần 20 người dân và chính quyền địa
phương thành lập Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm. Đây là bước ngoặt quan trọng
giúp nghề đan lát của bà con được khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Đến nay, hợp
tác xã có khoảng 20 thành viên, chuyên sản xuất các mặt hàng như mâm tre, ghế
tre, rổ, rá… Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, các sản phẩm này còn xuất
khẩu sang Đức, Pháp, Nhật,... Ảnh: Đức Anh
Trong ngôi nhà sàn, bà Lang Thị Hoa
và các thành viên ở làng nghề vẫn thoăn thoắt đôi tay, hoàn thiện những sản phẩm
để kịp chuyến hàng sắp xuất sang Pháp. Ảnh: Đức Anh
Vừa làm, bà vừa hồi tưởng:
“Ngày trước, cả bản ai cũng biết đan lát, nguyên liệu thì chỉ cần bước ra sau
núi là có. Nhưng bây giờ, lo nhất là lớp trẻ không còn mặn mà với nghề”. Hiện
nay, trong làng nghề, số người làm đan lát chỉ còn khoảng trên dưới 20 người,
chủ yếu là người lớn tuổi. Ảnh: Đức Anh
Dù vậy, niềm tin vào sự trường tồn của
nghề mây tre đan vẫn chưa bao giờ tắt. “Giữ nghề không chỉ là giữ kế sinh nhai,
mà còn giữ lại bản sắc, giữ cái hồn của bản Diềm. Nếu có sự chung tay của cộng
đồng, chính quyền, tôi tin rằng mây tre đan bản Diềm sẽ còn vững bền, tiếp tục
lan tỏa giá trị truyền thống đến muôn nơi,” bà Hoa hào hứng chia sẻ. Ảnh: Đức
Anh
Tuy nhiên, việc bảo tồn
và phát triển nghề mây tre đan vẫn đối mặt với không ít thách thức. Những sản
phẩm thủ công tốn nhiều công sức nhưng giá trị kinh tế chưa thực sự cao, khiến
không ít người có tay nghề phải rẽ sang công việc khác. Bên cạnh đó, đầu ra cho
sản phẩm vẫn chưa ổn định, khó cạnh tranh với những mặt hàng công nghiệp sản xuất
hàng loạt. Ảnh: Đức Anh
Trăn trở với sự sinh tồn của làng nghề, bà Hoa – Chủ nhiệm
Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm đã mang sản phẩm đến các hội chợ thương mại lớn
từ Nghệ An đến Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Anh
Hằng năm, ngoài thị
trường trong nước, bản Diềm còn xuất khẩu hàng trăm sản phẩm sang nước ngoài.
Những chiếc bàn, ghế, khay đựng trái cây từ tre, luồng, mét được khách hàng ưa
chuộng, mang đến nguồn thu nhập tương đối ổn định cho bà con trong bản. Ảnh: Đức
Anh
Thực hiện: Đức Anh