Truyền thông vận động thay đổi “Nếp nghĩ cách làm” Ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng tại xã Châu Khê
Để nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền; Đây là một trong những nội dung nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I 2021 - 2025) và năm 2022 trên địa bàn huyện Con Cuông. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội liên hiệp phụ nữ các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện Dự án 8, góp phần thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện các kế hoạch, quyết định của UBND xã và Hội LHPN xã về thực hiện đề án 8. Ngày 21/03/2023 Hội LHPN huyện phối hợp với Hội LHPN xã Châu Khê tổ chức tập huấn hướng dẫn thành lập, vận hành tổ truyền thông cộng đồng cho 2 bản Châu Định, bản Diềm.
Tổ truyền thông cộng đồng bản Châu Định
Mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" được thành lập với mục đích tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng thay đổi nếp nghĩ cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Tổ truyền thông cộng đồng bản Diềm
Tổ do UBND xã ra quyết định thành lập trên cơ sở tham mưu của Hội LHPN xã, Số lượng 7-10 thành viên; thành viên gồm Bí thư chi bộ thôn, Trưởng thôn, Chi hội trưởng phụ nữ, đại diện Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể ở địa phương; trưởng các tổ/nhóm/CLB hiện có trên địa bàn của thôn (Tổ vay vốn, Tổ tín dụng tiết kiệm, CLB gia đình hạnh phúc, Tổ công nghệ số cộng đồng...), Người có uy tín trong cộng đồng, có tinh thần đổi mới, tiên phong đi đầu và có khả năng tuyên truyền viên, vận động (già làng, giáo viên, bộ đội biên phòng...).
Thông qua lớp tập huấn, các học viên được cung cấp các kiến thức về mô hình tổ truyền thông cộng đồng; Tổng quan về giới, định kiến giới, bình đẳng giới; Kỹ năng xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động truyền thông; Thực hành nhóm về xây dựng kế hoạch truyền thông các nội dung nổi cộm như tảo hôn, trẻ bỏ học, sinh con thứ 3 trở lên…
Từ những kiến thức, kỹ năng thu nhận được trong các lớp tập huấn, các thành viên trong tổ truyền thông cộng đồng sẽ là cầu nối truyền tải thông tin, tuyên truyền, vận động, giúp bà con tại địa phương "giảm nghèo" thông tin, từ đó thay đổi cách suy nghĩ, vươn tới một cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp hơn.
Đối tượng thụ hưởng Dự án 8 là Phụ nữ và trẻ em gái các xã và thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em mồ côi, nạn nhân bị mua bán người, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật…
Việc triển khai thực hiện Dự án 8 trên địa bàn sẽ là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng DTTS và miền núi. Góp phần vào mục tiêu thúc đẩy “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”
Hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ người dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn huyện Con Cuông để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hoàng Mỹ Hạnh
Chủ tịch Hội LHPN xã Châu Khê