Việc triển khai thu phí bảo trì đường bộ theo Nghị định 18 của Chính phủ có ý nghĩa rất lớn. Đây hoạt động quan trọng nhằm bổ sung nguồn lực thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông đường bộ của đất nước, góp phần làm cho hạ tầng giao thông ngày càng bền chắc, giảm thiểu nguy cơ về tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở những vùng nông thôn, trong đó có huyện miền núi Con Cuông.
Việc triển khai thu phí bảo trì đường bộ theo Nghị định 18 của Chính phủ có ý nghĩa rất lớn. Đây hoạt động quan trọng nhằm bổ sung nguồn lực thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông đường bộ của đất nước, góp phần làm cho hạ tầng giao thông ngày càng bền chắc, giảm thiểu nguy cơ về tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở những vùng nông thôn, trong đó có huyện miền núi Con Cuông.
Sau khi có chủ trương về việc thu phí bảo trì đường bộ, ông Nguyễn Văn Huệ ở bản Piềng Khử, xã Lạng Khê cũng như hầu hết người dân miền núi Con Cuông đều thắc mắc về sự công bằng giữa các chủ phương tiện trong thụ hưởng hiệu quả của phí bảo trì đường bộ mà gia đình đã đóng. Theo ông, phí làm đường là tiền của nhân dân, là tài sản chung của xã hội thì trước hết mọi phương tiện đều được hưởng lợi như nhau. Trong khi ở đồng bằng, hệ thống giao thông được đầu tư khá đồng bộ, nhân dân đi lại thuận tiện thì đường giao thông ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa được đầu tư hay được đầu tư quá ít. Vì vậy nhiều tuyến giao thông miền núi nói chung và ở Con Cuông nói riêng thường mưa thì lầy lội, nắng thì bụi nhưng vẫn phải chịu chung mức phí. Điều này đã gây sự thiệt thòi cho người dân miền núi vốn đã có cuộc sống khó khăn Ông Nguyễn Văn Huệ- Bản Piềng Khử, xã Lạng Khê, Con Cuông nói: “Tôi thấy đây là chủ trương đúng nhưng mong muốn trong thời gian tới các cơ quan như công an cần có sự vào cuộc hơn, mong muốn Nhà nước giảm mức đóng góp giữa đồng bằng và miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.


Ở những thôn, bản hệ thống giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện kinh tế kém phát triển, hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Hơn nữa, ở những khu vực này nhu cầu đi xe trên quốc lộ, tỉnh lộ của người dân rất ít, 70% là đi rẫy trong khi đường trong thôn chủ yếu là đường đất hoặc nếu là đường nhựa, bê tông thì phần lớn được làm theo chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Vì vậy, mức thu phí cần được tính toán phù hợp giữa khu vực thành thị và nông thôn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Anh Lô Văn Lý- Cán bộ xã Lạng Khê, Con Cuông chia sẻ thêm: “ Chúng tôi là người trực tiếp đi thu, nhưng trong quá trình thu gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ dân có thái độ không hay đối với chúng tôi, từ đó chúng tôi cố gắng tuyên truyền để người dân chấp hành chủ trương đóng phí”.
Theo quy định của việc thu phí bảo trì đường bộ, gia đình có xe mô tô dung tích xi lanh từ 100 cm3 trở xuống sẽ đóng phí bảo trì đường bộ là 60.000 đồng/1 xe/1 năm; xe mô tô có dung tích xi lanh trên 100 cm3 sẽ đóng 110.000 đồng/1 xe/1 năm. Công tác thu phí bảo trì đường bộ được xã lạng Khê triển khai từ tháng 6 năm 2014. Theo đó, các cán bộ của UBND xã phối hợp cùng trưởng bản và công an viên tại các thôn, bản thu phí. Theo kế hoạch, tổng số tiền phí đường bộ xã phải thu trong 2 năm 2013, 2014 là 42 triệu đồng. Nhưng trên thực tế xã chỉ thu được trên 31 triệu đồng. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác thu phí bảo trì đường bộ chưa được triển khai sâu rộng nên ý thức tự giác đóng phí của người dân chưa cao. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã kê khai phương tiện giao thông chưa chính xác, nhiều hộ có con em đi học, đi làm ăn xa không kê khai. Cùng với đó, số lượng xe phát sinh tương đối nhiều đã phần nào gây khó khăn cho công tác kiểm soát đầu phương tiện. Ông Vi Đình Tuyển- Chủ tịch UBND xã Lạng Khê, Con Cuông cho biết: “ Công tác thu phí gặp nhiều khó khăn, do nhận thức của người dân chưa hiểu hết ý nghãi của thu phí đường bộ. Mong muốn nhà nước cần có những chế tài để công tác thu phí đường bộ đạt kết quả cao”.
Đóng phí bảo trì đường bộ là quy định bắt buộc mà các tổ chức, cá nhân là công dân Việt Nam đều phải thực hiện. Tuy nhiên, mức thu phí, việc quản lý và sử dụng tiền phí thu được như thế nào cho hợp lý, phù hợp với từng địa phương, hiện đang là vấn đề được các cấp chính quyền, người dân quan tâm. Để mọi công dân coi đây là nghĩa vụ để tự giác thực hiện, thiết nghĩ rất cần có sự vào cuộc tích cực của các địa phương và sự ủng hộ, hưởng ứng của người dân .
Bài: Minh Hạnh Ảnh: Vi Nhẫn Đài TT-TH Con Cuông