Con Cuông - huyện miền núi vùng cao, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ có sự chung sức đồng lòng của đồng bào các dân tộc trong việc đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, huyện Con Cuông đã có những bước chuyển mình đáng kể, đời sống của người dân đang đổi thay từng ngày.
Con Cuông - huyện miền núi vùng cao, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trình độ dân trí còn hạn chế, đời sống kinh tế khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ có sự chung sức đồng lòng của đồng bào các dân tộc trong việc đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, huyện Con Cuông đã có những bước chuyển mình đáng kể, đời sống của người dân đang đổi thay từng ngày.
Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 4 năm 1931 của thế kỷ XX tại xã Môn Sơn, Chi bộ Đảng đầu tiên ở các huyện miền núi Nghệ An được thành lập. Sự kiện này đã mở ra một bước ngoặt mới cho phong trào đấu tranh cách mạng và tạo đà phát triển các cơ sở cách mạng ở miền tây Nghệ An … Từ chi bộ Đảng đầu tiên có 5 đảng viên, đến nay Đảng bộ huyện Con Cuông đã có 48 tổ chức cơ sở Đảng, với 3.893 đảng viên. Từ năm 1945 đến nay toàn huyện có trên 7000 người tham gia hoạt động cách mạng, trên 4.000 thanh niên lên đường nhập ngũ; 165 người tham gia Thanh niên xung phong, và hàng ngàn lượt người tham gia dân công hoả tuyến phục vụ chiến đấu ở chiến trường Lào và trên mọi miền của Tổ quốc. Trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ biên giới Quốc gia, đã có 512 đồng chí cán bộ, chiến sỹ vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường; có 517 thương binh, bệnh binh. Những năm giặc Mỹ đánh phá Miền Bắc, lực lượng dân quân tự vệ xã Môn sơn đã bắt gọn toán biệt kích nhảy dù xuống biên giới Việt - Lào và nhiều toán khác xâm nhập trái phép. Dân quân xã Yên Khê phối hợp với bộ đội phòng không bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.500 của giặc Mỹ... Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Con Cuông đã đón nhận và cưu mang 12.000 đồng bào tỉnh Xiêng Khoảng của nước bạn Lào sang lánh nạn tại các xã Môn sơn, Lục dạ, Yên khê, Chi khê. Nơi đây còn là căn cứ đóng quân của nhiều đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tình nghĩa quân dân được nhân lên gấp bội trong gian khó. Nhân dân Con Cuông đã đóng góp, ủng hộ hàng trăm mét khối gỗ, tranh, tre, nứa, mét cho các đơn vị quân đội; quyên góp, ủng hộ kháng chiến 319 chỉ vàng, 39 ngôi nhà (tổng diện tích 1.320 mét vuông); đóng góp các tài sản khác quy ra thóc là 1.639,7 tấn. Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, địa bàn huyện Con Cuông có nhiều trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt, nhưng quân và dân vẫn kiên cường bám trụ, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến.
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ, Con Cuông luôn chăm lo thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, tri ân đối với các gia đình chính sách. Hàng trăm hài cốt liệt sỹ đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ của huyện. Ghi nhận những đóng góp của quân và dân Con Cuông, Ban chỉ huy quân sự huyện được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba; đồng chí Vi Đức Cường ( xã Lục Dạ) được Nhà nước phong tặng danh hiệu “ Anh hùng lực lượng vũ trang”; Lâm trường Con Cuông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, cá nhân đồng chí Nguyễn Ngọc Lài được Nhà nước phong tặng 2 lần danh hiệu Anh hùng lao động; 17 Bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xã Môn Sơn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang và nhiều tập thể, cá nhân được Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp tặng huân, huy chương, và nhiều phần thưởng cao quý khác vì thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và trong lao động, học tập xây dựng quê hương, đất nước.
Trong sự nghiệp đổi mới và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền, sự tham gia tích cực của các đoàn thể, sự đồng thuận, vượt khó của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, cán bộ, nhân dân Con Cuông đã vượt mọi khó khăn thách thức, khai thác hiệu quả tiềm năng để phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, nhất là địa bàn biên giới, phên dậu của đất nước, quê hương. Nền kinh tế - xã hội Con Cuông phát triển nhanh, vững chắc, đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn luôn được chăm lo, không ngừng được cải thiện.
Từ một huyện có nền nông nghiệp lạc hậu, năng suất và sản lượng thấp, nguồn lương thực chủ yếu tự cung, tự cấp, nay Con Cuông đã có nền kinh tế phát triển đa dang có tốc độ tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010 -2015, Đảng bộ Con Cuông đã xác định lấy sản xuất nông lâm nghiệp là nền tảng để tạo đà phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Từ đó Đảng bộ huyện đề ra nhiều Nghị quyết, chuyên đề về lĩnh vực này, đồng thời chỉ đạo, ban hành các cơ chế chính sách đặc thù, tập trung cho sản xuất nông lâm nghiệp phát triển. Nhờ tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khai thác tiềm năng hợp lý, thực hiện nông lâm kết hợp, cùng với tư tưởng dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ các cấp, mạnh dạn đầu tư cho phát triển sản xuất, từ đó đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế.

Niềm vui được mùa

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp
Với sự vào cuộc tích cực của các ngành, với phương thức “cầm tay chỉ việc”, phương châm đảng viên nhận giúp đỡ hộ nghèo, hỗ trợ nguồn lực, đầu tư các dự án, xây dựng các mô hình, đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy, cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Giờ đây, người dân Con Cuông đã năng động, nhạy bén trong tiếp cận cách làm mới, tích cực đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị thu nhập, nhất là tăng tỷ trọng các ngành kinh tế cho hiệu quả cao, tăng thu nhập. Giờ đây, người dân đã luôn ý thức cao trong quản lý bảo vệ rừng, nhận khoanh nuôi, tu bổ, chăm sóc bảo vệ và làm giàu từ rừng; đẩy mạnh khai hoang, phục hoá, thâm canh đất bằng, trồng cây nguyên liệu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Qua đó làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, tăng giá trị sản xuất. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm, giai đoạn 2010 -2015 đạt 6%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, văn hóa có nhiều tiến bộ, giữ vững ổn định chính trị trật tự ATXH. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 49% năm 2010 xuống còn hơn 32% trong năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; bộ mặt từ trung tâm huyện, thị đến các thôn bản đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa đã có nhiều khởi sắc.
Cùng với việc ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Quy hoạch vùng trồng cam hàng hóa hàng trăm ha ở xã Yên Khê với thương hiệu Cam Con Cuông; vùng chuyên canh chè ở Bồng Khê, lúa chất lượng cao ở cánh đồng Mường Quạ xã Môn Sơn…Những vùng chuyên canh cây công nghiệp được hình thành ngày một nhiều, cho thu nhập cao đang làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây. Ngoài ra phát huy thế mạnh và tiềm năng sẵn có của địa phương, huyện Con Cuông còn đầu tư hàng trăm ha vùng cây nguyên liệu ở Châu Khê, Thạch Ngàn đang giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và tự làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Đến nay huyện có độ che phủ rừng đạt trên 78%. Quan tâm chỉ đạo phát triển đàn gia súc, gia cầm. Chương trình mục tiêu quốc gia về NTM được huyện chỉ đạo tập trung, toàn diện. Nguồn vốn đầu tư trong 4 năm đạt trên 700 tỷ đồng, chủ yếu thông qua lồng ghép các chương trình dự án được triển khai trên địa bàn huyện. Cùng với sự đóng góp của nhân dân đến nay đã có 1 xã đạt 15 tiêu chí, 1 xã đạt 12 tiêu chí về NTM.

Xã lạng Khê xây dựng đường giao thông nông thôn
Đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước trong cộng đồng dân cư, tiêu biểu như Làng Pha (xã Yên Khê), bản Khe Rạn, bản Thanh đào (xã Bồng khê), Bản Liên đình, Thôn Bãi ổi (xã Chi khê); Bản Bãi gạo, Thôn 2/9 ( xã Châu khê); bản Đồng tiến, bản Chôm lôm (xã Lạng khê); bản Hua nà, bản Kim sơn (xã Lục dạ); bản Thái sơn, Nam sơn (xã Môn sơn); bản Thanh bình (Thạch ngàn) v.v...Những điển hình vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa đó đã tạo động lực, niềm tin để đồng bào các dân tộc tiếp tục nỗ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Với nhiều giải pháp tích cực, huyện đã đầu tư, hiệu quả các nguồn vốn vào lĩnh vực giao thông. Vì vậy, kết cấu hạ tầng trên địa bàn từng bước được tăng cường, nhiều công trình hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng, mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống nhân dân. Đến nay, Con Cuông đã có một hệ thống giao thông khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của huyện.Ngoài ra, trong những năm qua, Con Cuông đã phát huy tốt các nguồn lực trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: trái phiếu Chính phủ, vốn từ Chương trình 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia, Ngân sách Nhà nước và huy động nhân dân đóng góp... để xây dựng được nhiều công trình hạ tầng quan trọng. Đơn cử như các công trình Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An với 150 giường bệnh, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 7A đoạn qua thị trấn, đường tuần tra biên giới Châu Khê.
Hệ thống lưới điện nông thôn ở Con Cuông cũng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Dấu ấn nổi bật là huyện đã đưa hệ thống điện lưới quốc gia đến với người dân xã vùng sâu, vùng xa Bình Chuẩn. Toàn huyện 13/13 xã với tổng 90% số hộ dân được dùng điện lưới Quốc gia; 100% xã, thị trấn có đường giao thông ô tô đến trung tâm xã, thông tuyến với các huyện bạn. Mỗi xã đều có thị tứ hoặc cụm dịch vụ thương mại đáp ứng nhu cầu trao đổi, thu mua hàng hoá, nhu yếu phẩm cho nhân dân. Các ngành nghề truyền thống được khuyến khích phục hồi và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; dịch vụ vận tải tăng nhanh, góp phần chu chuyển trao đổi hàng hóa cho nhân dân. Phong trào xây dựng nông thôn mới , hỗ trợ xoá nhà dột nát tạm bợ, xoá đói giảm nghèo đã và đang trở thành phong trào sâu rộng trong nhân dân.
Cùng với phát triển kinh tế lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển mạnh mẽ là yếu tố đòn bẩy cho sự phát triển bền vững. Hệ thống giáo dục tiếp tục được củng cố và hoàn thiện. Đến nay toàn huyện đã có 100% xã thị đạt phổ cấp trẻ mầm non theo đúng độ tuổi. Cơ sở vật chất trường lớp học từng bước đầu tư chuẩn hóa, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh.
Truyền thống lịch sử văn hóa của các dân tộc trên địa bàn luôn được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị. Lĩnh vực văn hóa, văn nghệ quần chúng được quan tâm, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng có chiều sâu và sức lan tỏa sâu rộng.

Một góc củaThị trấn Con Cuông hôm nay
Có thể nói, trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, song Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Con Cuông đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống anh hùng, nỗ lực phấn đấu vươn lên đạt được những thành tựu khá toàn diện. Phát huy thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, bước vào nhiệm kỳ 2010 -2015, Đảng bộ Con Cuông tiếp tục tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, tinh thần cộng sự trong đội ngũ cán bộ các cấp, khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng, tập trung phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng vững chắc, chăm lo xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh toàn diện, bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là vùng biên giới. Tin rằng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, Con Cuông sẽ nhanh chóng đưa nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020 vào cuộc sống, vươn lên trở thành huyện khá toàn diện, là trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Tây Nam tỉnh Nghệ An, vững chắc lên mục tiêu đô thị loại IV trong tương lai gần.
Bảo Ngọc-Bá Hậu-Vi Nhẫn
Đài TT-TH Con Cuông