Hội nông dân tổ chức Hội thảo mô hình liên kết sản xuất xơ mướp theo chuỗi giá trị
Ngày (14/6), tại bản Liên Hồng xã Cam Lâm huyện Con Cuông , Hội nông dân huyện tổ chức Hội thảo mô hình liên kết sản xuất xơ mướp theo chuỗi giá trị.
Mô hình triển khai vào đầu tháng 1/2023, tại 4 hộ gia đình tại bản Liên Hồng, xã Cam Lâm trên tổng diện tích 1ha. Mô hình hỗ trợ cho bà con tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về gieo trồng cây mướp, làm giàn leo, chăm bón, phòng và điều trị một số bệnh trên cây mướp, kỹ thuật chế biến và bảo quản xơ mướp. Hỗ trợ vật tư phục vụ hạt giống, màng phủ, phân bón, vôi bột, lưới làm giàn leo, thuốc bảo vệ thực vật hệ thống tưới tiêu, công lao động...
Mướp năm thứ hai sẽ có năng suất cao hơn năm thứ nhất
Với tổng chi phí đầu tư trên 115 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ trên 49 triệu đồng, doanh nghiệp hỗ trợ 7 triệu còn lại nhân dân tự bỏ công lao động, vật liệu tre nứa, phân chuồng. Sau 3 tháng triển khai, mô hình đã bắt đầu cho thu hoạch thương phẩm mướp non, sau 5 tháng thu hoạch xơ mướp. Mô hình cho thu hoạch 4 lứa đến tháng 10 năm 2023. Sản phẩm được Hội nông dân huyện Con Cuông liên kết với công ty thu mua với giá ổn định.
Mướp trồng đảm bảo lấy xơ với giá 3 nghìn đến 4 nghìn đồng một quả xơ
Tại hội thảo đã tính tổng doanh thu từ mô hình trồng xơ mướp trên diện tích 1ha với 4 lứa thu hoạch như sau: Sản lượng xơ mướp và mướp non thương phẩm năm thứ nhất: 58.000 quả xơ với giá 3.000 đồng/quả xơ tổng thu 174.000.000 đồng, 16 tấn mướp non thương phẩm với giá mướp non 5.000 đồng/kg , tổng thu 80.000.000 đồng. Doanh thu năm thứ nhất: 254.000.000 đồng trừ chi phí còn lãi ròng 138.928.000 đồng. Sau khi kết thúc năm thứ nhất, các gia đình tiếp tục tận dụng được hạt giống, giàn leo có thể sử dụng được trong thời hạn từ 2 đến 3 năm. Bà con chỉ đầu tư công sức chăm sóc và bón phân khoảng trên 30 triệu đồng. Doanh thu năm thứ hai là 260.000.000 đồng trừ chi phí sẽ cho lãi ròng trên 222 triệu đồng.
Từ mô hình bà con có thể thu hoạch mướp non để bán ra thị trường với giá 5 nghìn đồng một kg thời gian thu hái 4 lứa
Năm thứ hai các hộ dân đã có kinh nghiệm trong sản xuất nên sản lượng của năm thứ hai có thể sẽ cao hơn năm thứ nhất, do đó hiệu quả kinh tế của năm thứ hai cũng sẽ cao hơn mức dự kiến. Như vậy có thể khẳng định mức thu nhập từ việc sản xuất xơ mướp sẽ cao hơn các loại cây trồng khác, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân xã Cam Lâm. Đây là mô hình nông sản đầu tiên xây dựng thành công tại xã Cam Lâm mở hướng phát triển kinh tế mới trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn./.
Tường Vi- Quang Huy