Trước thực trạng liên tiếp xảy ra
tình trạng đá và cây đổ xuống mặt đường Quốc lộ 7, đoạn qua eo Vực Bồng, huyện
Con Cuông sẽ đề xuất ngành giao thông làm hầm chui để tránh tai nạn.
Clip: Xuân Hoàng - Quang An
Eo Vực Bồng trên Quốc
lộ 7A, đoạn qua địa bàn xã Bồng Khê, huyện Con Cuông thời gian gần đây xảy ra
nhiều vụ đá và cây gỗ to đổ từ đỉnh núi lèn xuống mặt đường 7A, làm bị thương
người đi đường và gây ách tắc giao thông.
Eo Vực Bồng, tại km88+350m, thuộc địa bàn xã Bồng Khê, huyện Con Cuông.
Ảnh: Xuân Hoàng
Mới đây nhất, vào khoảng gần 1h ngày 23/9, tại Quốc
lộ 7A đoạn qua eo Vực Bồng, xã Bồng Khê, một cây gỗ mọc tự nhiên trên lèn đá từ
độ cao khoảng 10m bất ngờ bật gốc, đổ xuống đường cùng với nhiều tảng đá lớn.
Rất may thời điểm này chưa có người và phương tiện tham gia giao thông nên
không có thiệt hại về người và tài sản.
Cây gỗ lớn bật gốc đổ từ vách núi lèn xuống, kéo theo nhiều khối đá chắn
ngang đoạn đường tại eo Vực Bồng lúc gần 1h sáng ngày 23/9 vừa qua. Ảnh: Bảo
Hân
Trước đó, cũng tại địa điểm này, nhiều tảng đá và
cành cây to đổ xuống đường khiến một người điều khiển xe máy đang lưu thông
trên đường bị thương.
Người dân đặt câu hỏi, vì sao trước đây tình trạng
đá và cây tại khu vực eo Vực Bồng không đổ xuống, mà chỉ trong thời gian ngắn
gần đây lại xảy ra 2 vụ liền? Tình trạng này khiến ai cũng nơm nớp lo sợ mỗi
khi qua eo Vực Bồng, nhất là những lúc mưa to, gió lớn.
Hàng ngày, lượng người và phương tiện tham gia giao thông đi qua eo Vực
Rồng khá nhiều, sau một số vụ xảy ra cây và đá đổ xuống mặt đường gần đây,
khiến ai cũng lo lắng. Ảnh: Quang An.
Trên vách núi đoạn qua eo Vực Bồng xuất
hiện nhiều vết nứt nẻ của đá vôi, có nguy cơ rơi xuống bất cứ lúc nào. Ảnh:
Quang An
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch
UBND huyện Con Cuông cho
rằng: Eo Vực Bồng tại km88+350m trước đây đã được ngành giao thông nâng cấp
bằng cách mở rộng, nâng cao cốt đường, nên phần mái được mở rộng, tạo thành
vách lèn cao dựng đứng. Sau hàng chục năm, do tác động của thời tiết, đá có
hiện tượng bị phong hóa, thiếu lực ma sát.
Cùng đó, toàn bộ cây mọc trên núi đá là cây rễ bám.
Khi cây cao to lên thì cành kéo ra, khiến rễ đứt ra khỏi đá, nên nhiều khối đá
bị tách ra, khi gặp mưa và gió sẽ rơi xuống. Đó là nguyên nhân dẫn đến xảy ra
tình trạng cây và đá rơi xuống đoạn đường eo Vực Bồng trong những ngày qua.
Một gốc cây to treo lơ lửng tại đoạn đường eo Vực Bồng. Ảnh: Xuân Hoàng
Giải pháp trước mắt, huyện chỉ đạo các ngành chuyên
môn xử lý bằng cách cắt toàn bộ hệ thống cây to phía trên vách đá, để giảm sức
nặng của cây.
Tuy nhiên, nguy cơ đá rơi xuống đường vẫn tồn tại,
bởi gốc cây to vẫn còn và sẽ phát triển cành trong thời gian tới. Do đó, huyện
đã tính đến phương án lâu dài, tránh rủi ro tai nạn đáng tiếc cho người dân mỗi
khi qua đoạn đường eo Vực Bồng này.
Những ai mỗi lần đi qua eo Vực Bồng đều nơm nớp lo đá rơi xuống. Ảnh:
Quang An
Theo đó, hiện nay huyện Con Cuông đang lập dự thảo
tờ trình để gửi ngành giao thông đề xuất dự án: Hầm xuyên núi trên tuyến Quốc
lộ 7 từ Km 88+150 đến Km 88 + 500 qua eo Vực Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông
vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030.
Xây dựng hầm xuyên núi theo quy hoạch quy hoạch
chung xây dựng thị xã Con Cuông – đô thị trung tâm vùng miền núi Tây Nam – tỉnh
Nghệ An đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4438/QĐ.UBND-CN ngày
09/12/2005 với tổng chiều dài khoảng 350m, bề rộng hầm 25m.
Dự án hầm xuyên núi trên tuyến Quốc lộ 7 từ
Km88+150 đến Km88 + 500 qua eo Vực Bồng nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ
và giải pháp tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây
dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp
với Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch có tính chất kỹ
thuật, chuyên ngành và quy hoạch khác có liên quan; Kế hoạch 217-KH/HU ngày
28/03/2024 của Huyện ủy Con Cuông về việc triển khai thực hiện Chương trình
hành động số 68–CTr/TU ngày 15/11/2023 của Tỉnh ủy Nghệ An trong đó định hướng
“xây dựng và phát triển huyện Con Cuông trở thành đô thị loại 4 theo hướng sinh
thái, du lịch”.
Eo Vực Bồng trên Quốc lộ 7, một bên là vách núi lèn dựng đứng, một bên
là dòng sông Lam, tại đây còn có nhiều khúc cua hẹp, nguy cơ mất an toàn giao
thông cao. Ảnh: Xuân Hoàng
Dự án hầm xuyên núi trên tuyến Quốc lộ 7 từ Km 88+150
đến Km 88 + 500 qua eo Vực Bồng đã được quy hoạch với tổng chiều dài khoảng
350m; Bề rộng hầm 25m. Ảnh: Xuân Hoàng
Quan sát cho thấy, đường Quốc lộ 7 đoạn qua eo Vực
Bồng, một bên là vách núi lèn dựng đứng sát với mặt đường. Trên vách núi còn
nhiều gốc cây to vừa được cắt hết phần cành, bên cạnh đó cây rừng tự nhiên khá
rậm rạp, mọc trên vách đá nứt nẻ, có thể rơi bất cứ lúc nào. Một bên là dòng
sông Lam cũng sát với mép đường, nguy cơ sạt lở cao. Cùng đó, đoạn đường này có
nhiều khúc cua hẹp, dốc uốn lượn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tại nạn giao thông
cao.
Do đó, khi được đầu tư làm hầm xuyên núi, các
phương tiện tham gia giao thông tránh được đoạn đường cua, dốc và nguy cơ đá
rơi gây tai nạn giao thông tại khu vực eo Vực Bồng./.